Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm B


CN.4.PS.B

22-4-2018

———————————-

Giáo Huấn số 22

Lịch Giáo Phận trang 71

Tình Yêu của Người Mẹ và Người Cha

Trẻ con vừa mới chào đời, cùng với việc được nuôi dưỡng và chăm sóc, bắt đầu nhận được một ân huệ là biết chắc chắn chúng được yêu thương bằng một tình yêu thiêng liêng. Những hành động yêu thương tỏ lộ qua việc đặt tên riêng cho em, tập cho em nói bằng một ngôn ngữ chung, những ánh nhìn đầy trìu mến, những nụ cười rạng rỡ. Như thế, bài học đầu tiên chúng học được, đó là vẻ đẹp của các mối tương quan giữa người với người hệ tại ở tâm hồn, mưu cầu tự do cho ta, chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, nhìn nhận và tôn trọng họ như là một đối tác {…} Và đó chính là tình yêu, phản chiếu một tia sáng của tình yêu Thiên Chúa. Mỗi đứa trẻ có quyền được hưởng tình yêu của một người mẹ và một người cha, cả hai tình yêu này đều cần thiết cho trẻ để được trưởng thành toàn diện và hài hòa. Như các giám mục Úc châu đã khẳng định, cả hai “đóng góp, mỗi người một cách khác nhau, cho sự tăng trưởng của trẻ. Tôn trọng phẩm giá của một đứa trẻ có nghĩa là khẳng định nhu cầu và quyền tự nhiên của nó là có một người mẹ và người cha”. Vấn đề không chỉ là tình yêu của người cha và người mẹ xét cách riêng rẽ, mà còn là tình yêu của họ dành cho nhau, vốn được coi như nguồn mạch của chính sự hiện hữu, như tổ ấm tiếp nhận và như nền tảng của gia đình. Nếu không, đứa trẻ xem ra chỉ còn như là một vật sở hữu được dùng tùy tiện. Cả người nam và người nữ, người cha và người mẹ đều là “những người cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa và như thế họ là những thông dịch viên của Ngài”. Họ tỏ lộ cho con cái họ dung mạo người mẹ và dung mạo người cha của Chúa. Hơn nữa, họ cùng dạy dỗ con cái về giá trị của sự hỗ tương, sự gặp gỡ những khác biệt, trong đó mỗi người đóng góp bản sắc riêng của mình và cũng biết đón nhận từ người khác. Nếu vì một lý do bất khả kháng nào đó mà thiếu vắng một trong hai người, thì điều quan trọng là tìm cách nào đó để bù đắp sự mất mát, để đứa con được phát triển cách thích đáng cho tới trưởng thành (Niềm Vui Của Tình Yêu số  172).

 

CN.4.PS.B

(Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18)

Theo tự điển Kinh Thánh Công Giáo của Scott Hahn, ba Phúc Âm Nhất Lãm (Mt, Mc, Lc) có 30 dụ ngôn. Còn Phúc Âm thánh Gioan có 2 dụ ngôn quan trọng : dụ ngôn Chúa Chiên Nhân Lành (Ga 10) và dụ ngôn Cây Nho và Cành Nho (Ga 15).

Dụ ngôn Chúa Chiên Nhân Lành được Giáo Hội cho đọc vào Chúa nhật 4 Phục sinh và chia làm 3 năm : Năm A đọc Ga 10,1-10, năm B đọc Ga 10,11-18, năm C đọc Ga 10,27-30.

 Năm nay là năm B, BTM đọc Ga 10,11-18. Chúa Giê-su nói với các nhà lãnh đạo Do Thái : “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và và Tôi biết Chúa Cha và tôi hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11-15).

Chúa Giê-su nói tiếp : “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Chúa Giê-su còn nói : “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi, mà tôi đã nhận được” (Ga 10,17-18).

Trong tập sách “Tin Mừng Gio-an”, cha Alain Marchabour viết : “Dụ ngôn về vị mục tử và đoàn chiên gợi nhớ đến Lc 15,3-7 và Mt 18,12-14. Tuy nhiên nơi Gioan điều lý thú tập trung trước tiên vào Chúa Ki-tô : Vị mục tử nhân lành đối nghịch với kẻ trộm cướp (c.1) và người lạ (c.5)… Khác với kẻ làm thuê, Chúa Giê-su là mục tử đích thực (nhân lành) vì hai lý do : trước tiên Người liều mạng sống mình để bảo vệ đoàn chiên, và nhất là Người duy trì với các chiên mối tương quan hiểu biết duy nhất, bởi vì được ăn rễ sâu trong sự hiểu biết Chúa Cha của Người (như Chúa Cha biết Tôi)…

Khi đối chiếu Chúa Giê-su với kẻ làm thuê, có một điều chắc chắn được xác định về Chúa Giê-su : người làm thuê bỏ chiên mà chạy (Thầy sẽ không để anh em mồ côi Ga 14,18), lúc bấy giờ sói có thể vồ lấy chiên (không ai cướp được các chiên của Tôi khỏi tay tôi Ga 10,28) và làm cho chúng tán loạn (Chúa Giê-su chịu chết để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối Ga 11,52) (Sđd trang 262-263).

Chúa nhật 3 PS.B tuần trước ngày 15-4-2018, BTM đã nói : “Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9). Kinh Thánh đã tiên báo là Chúa sống lại. Cha Louis Đoan, con ông Anrê ở Thanh Chiêm (Phước Kiều). Sở dĩ đã đề cập đến cha, vì cha là người Việt Nam đầu tiên viết “Sấm Truyền Ca”, cuốn Kinh Thánh. Hôm nay là Chúa nhật nói về “Người Mục Tử Nhân Lành”, chúng ta cũng nói lại về cha Louis Đoan, vì cha vừa là linh mục đầu tiên của Phước Kiều Quảng Nam, vừa là một “mục tử nhân lành”, cha mẹ cha là những anh hùng. Hổ phụ sinh hổ tử.

Cha Đỗ Quang Chính viết trong tập sách “Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 44 : “Vào khoảng năm 1670, cha Lữ-y (Louis Đoán (Đoan) ở Đàng Trong cũng soạn ít là cuốn văn bằng chữ Nôm ‘Sấm Truyền Ca’”.

Cha Trương Bá Cần viết trong tập sách “Lịch Sử Công Gáo Việt Nam, trang 224 : “Đây là linh mục Việt Nam thứ tư ở Đàng Trong. Trong thư đề ngày 20-6-1677, thừa sai Vachet viết : “Khi ở trong khu truyền giáo này về (trong tỉnh Quảng Ngãi), Đức giám mục hiệu tòa Beryle (Lambert) đã phong chức linh mục cho Louis Doan, một trong những thầy giảng kỳ cựu thông nho của vương quốc này… Trong thư gửi Đức Giám mục Lambert năm 1676, thừa sai Courtaulin viết : “Ngày lễ Sinh Nhật  Đức Mẹ (8-9), linh mục Louis Doan đã làm lễ mở tay ở Cacham trong nhà của người em út, được trang hoàng lộng lẫy, có khoảng 500 giáo hữu ưu tú của tỉnh này tham dự…Dưới bức thư của giáo hữu Đàng Trong gửi Đức Giáo hoàng  tháng 2 năm 1676 bằng Hán Nôm có tên linh mục Lu-y Đoán… Theo Paulus Tạo (báo Nam Kỳ Địa Phận) thì Phan Văn Cận  ở  Cái Mơn,  năm 1820, đã chép bản Sấm Truyền Ca, nói là của linh mục Lu-y Đoan soạn năm 1670, từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Bản quốc ngữ này được nhiều người sao chép lại chuyền tay nhau. Trong một tài liệu in Ronéô, ông Nguyễn Văn Trung cho biết là ông hiện có hai bản chép tay bằng chữ quốc ngữ… Linh mục Louis Đoán mất trước  tháng 6-1678”.

Cha Louis Đoan là con của ông Anrê, Thanh Chiêm (Phước Kiều). Cha Nguyễn Hồng kể : “Một hôm quan trấn, ‘kẻ thù nổi tiếng của đạo Ki-tô’ cho lính đến khám các nhà đàn anh trùm trưởng trong họ và tịch thu các ảnh tượng. Ông Anrê và hai người con nhỏ với một số đàn anh bị trói dẫn ra cửa Hội An và bị phạt trượng ở nơi công cộng” (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Tập I, tran 151).

Cha Nguyễn Hồng kể tiếp về ông An-rê : “Tháng 7-1644, Tống Thị ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam thầy An-rê (Phú Yên)… Vừa giải tới dinh, quan trấn liền ra lệnh tống giam thầy. Vào tù, thầy gặp cụ già An-rê đã bị giam trong đó và cũng mới bị bắt ban chiều. Cả hai suốt đêm trao đổi những lời khuyến khích thúc giục nhau can đảm chứng minh đạo và trông đợi chóng đến sáng để được dâng lễ hi sinh cùng nhau lên hưởng triều thiên hạnh phúc trên Thiên quốc” (Sđd, trang 166).

Cha Hồng viết : “Ít lâu sau cụ già An-rê được thả về, không được may mắn phúc tử đạo như thầy An-rê, nhưng suốt đời cụ với bao thử thách giam cầm, cụ thật xứng tên vị minh chứng đạo.

Cha viết lại lời cha Đắc Lộ khen ngợi cụ : ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo  trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía bên Thầy mình, vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (gông), huân công của người chiến sĩ Công giáo. Mỗi lần giao tranh, cụ đều thoát hiểm, và tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo. Phu nhân của cụ tên là Inhaxu, bà sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà. Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người ngoại đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Cũng vì thế hai ông bà và các con luôn bị người ta làm phiền nhiễu, và khu nhà cụ cũng nhiều lần bị phá phách, nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa Giê-su Ki-tô. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự của xứ Ai Cập. Ông nghẻ đô tri, sau khi đã ngược đãi làm phiền cụ mãi, cũng phải chán tay, còn riêng cụ thì cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo. Từ đó cụ được yên tĩnh sống ớ nhà, và theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Sđd, trang 168-169).

Cha Louis Đoan chẳng những là người đầu tiên viết Kinh Thánh bằng thơ, là linh mục Quảng Nam đầu tiên, mà còn có cha mẹ can đảm, tiếp nối dòng máu anh hùng cho con cái.

Truyện đọc thêm :

  1. Chuyện Ơn Gọi Hiếm Có Thời Nay:

Cả hai thành tài sắp đám cưới, lại rủ nhau đi tu.

Buenos Aires, Á Căn Đình – Trước khi khám phá ra ơn gọi cuả mình, Cha Javier Olivera và Sơ Marie de la Sagesse đã chuẩn bị làm đám cưới với nhau. Nhưng Chúa lại xếp đặt cho họ một cách khác.

Trả lời phỏng vấn cuả ACI Prensa, văn phòng thông tấn xã CNA bằng tiếng Tây Ban Nha, Cha Olivera cho biết cả hai đều lớn lên trong những gia đình Công Giáo và “cha mẹ chúng tôi lại quen biết nhau từ lúc còn bé.” Hai người gặp nhau thường xuyên khi còn là trẻ em

“Nhưng tôi thực sự không còn giữ đạo nữa. Khi lên 19 tuổi, sau khi đi lang thang kiểu ‘tây ba lô’ ở Peru, thì tôi trở về nhà và gặp lại cô ấy. Tôi hỏi cô ấy rằng cô có tin vào sự giữ trinh tiết trước khi kết hôn không, bởi vì đối với tôi, đây chỉ là một sáng chế của Giáo Hội. Cô ta kể ra một loạt các nguyên lý cuả sự tiết trinh một cách rõ ràng và mạch lạc, từ quan điểm triết lý cho đến niềm tin tôn giáo, và điều đó làm cho tôi thật sự ngỡ ngàng. Tôi đã gặp được một người phụ nữ biết bảo vệ những gì cô ấy tin và đồng thời lại rất thông minh,” Cha Olivera nhận xét.

Ngay sau cuộc gặp gỡ đó, họ bắt đầu hẹn hò nhau. Tại thời điểm đó, cả hai đang theo học ngành luật. Olivera theo học tại viện Đại học Buenos Aires, còn cô ta học tại viện đại học La Plata.

Cha Olivera nói rằng “cũng giống như các việc tán tỉnh bình thường, nhưng chúng tôi đã tận dụng những cái đẹp văn hóa qua âm nhạc, văn học và triết học. Chúng tôi chung nhau đọc sách, chúng tôi rủ nhau ra quán uống cà phê. Chúng tôi nhập bọn với bạn bè đi tham dự hội nghị văn chương của các tác giả Công Giáo Argentina.”

“Tôi bắt đầu thực hành đức tin trở lại, tức là cầu nguyện và đi lễ Chúa Nhật. Tất cả phần lớn là nhờ ở cô ấy, Thiên Chúa chủ yếu dùng cô ấy như một công cụ”. Cha Olivera nói thêm rằng họ cũng lần chuỗi Mân Côi chung với nhau.

Về phần mình, Sơ Marie de la Sagesse, tên rửa tội là Trinidad Maria Guiomar, nói với ACI Prensa rằng : những gì Sơ đánh giá cao nhất về người bạn trai là “sự chân thành tìm kiếm sự thật mà không lo sợ hậu quả.”

Họ đính hôn với nhau khi vừa lên 21 tuổi và quyết định sẽ kết hôn sau khi ra trường đại học, tức là 2 năm rưỡi sau đó.

Khám phá ra ơn gọi

Bỗng một ngày kia, người anh trai cuả Trinidad Maria đã tung ra một tin động trời là anh ta sẽ gia nhập chủng viện, và Sơ ấy nhớ lại cảnh tượng lúc ấy, “gia đình chúng tôi đã chóang váng quay cuồng bởi vì chúng tôi không thể tưởng tượng ra việc đó nổi.”

“Tôi đang có xe hơi và với vị hôn thê của tôi, chúng tôi quyết định đưa anh ta đến chủng viện ở San Rafael, tỉnh Mendoza, ” Sơ nói. Cả hai chúng tôi quyết định nấn ná ở lại thêm một vài ngày để Javier có cơ hội gặp lại một số bạn bè cũ nay cũng đang ở chủng viện, và Trinidad Maria có thể gặp lại một số bạn bè trong một dòng nữ ở đó.

Cha Olivera kể tiếp: “Khi chúng tôi trở về, chúng tôi bàn luận về tất cả những chuyện điên rồ đó, rằng thật là uổng phí khi người anh trai cuả cô bỏ lại tất cả mọi thứ, trong đó là một gia đình tương lai và một sự nghiệp quan trọng. Nhưng chúng tôi cũng bắt đầu tự hỏi, ‘Điều gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa cũng gọi chúng tôi như vậy?’ Và câu trả lời đầu tiên là, “không” một cách rất mạnh mẽ, đó là việc điên rồ, vì chúng tôi đã vừa trải qua một cuộc hứa hôn thực sự đẹp và chúng tôi đã mua sắm đáng kể cho lễ thành hôn.”

Nhiều tuần trôi qua, nhưng câu hỏi vẫn ám ảnh mãi: “Trong cái đáy sâu thẳm cuả linh hồn, tôi liên tục suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa gọi tôi, nếu tôi để lại tất cả mọi thứ, tại sao không phải là một linh mục nhỉ? Cách tốt nhất để được lên thiên đường là cuộc sống linh mục hay cuộc sống vợ chồng? Nơi nào, tôi có thể làm tốt nhất?”

Sau rất nhiều trăn trở, Cha Olivera đã quyết định cho vị hôn thê cuả mình biết về mối quan tâm ấy, bất ngờ thay, cô ấy cũng thú nhận rằng cô đã “nghĩ những điều tương tự” sau khi người anh trai gia nhập chủng viện

Tuy nhiên, họ đã không quyết định gì cả. “Vì chúng tôi vẫn còn hai năm nữa thì mới học xong, đó là một lý do tuyệt vời để mà trì hoãn,” Cha Olivera nói.

Họ đã kiếm tới “một cha giáo rất thận trọng” để làm cố vấn, và vị linh mục nói với họ: “nhìn này, đó là một vấn đề riêng giữa mỗi một người chúng con và Thiên Chúa. Không ai có thể can thiệp vào chuyện linh hồn.

Về phần mình, Sơ Marie de la Sagesse nói với ACI Prensa rằng “đó là một thời gian rất dài để suy nghĩ một cách thật sâu xa, dài tới hai năm, cho đến khi tôi nhận thức rõ ràng rằng Thiên Chúa đã dành một đời sống tận hiến cho tôi, và tôi không còn chút nghi ngờ nào rằng Ngài muốn tôi từ bỏ tất cả. “

Sau khi ra trường, cả hai đều chấp nhận ơn gọi của họ. Năm 2008, khi cả hai đều lên 31, Olivera được thụ phong linh mục tại giáo phận San Rafael, và Marie de la Sagesse khấn trọn đời trong dòng Chúa Giêsu Thương Xót.

Cha Olivera hiện tại làm giáo sư đại chủng viện và có một blog là “Que no te la cuenten” (tìm cho chính mình). Ngài viết một cuốn sách dạy về cách giải quyết những chuyện nghi ngờ có tựa đề “Alguna vez pensaste? El llamado de Cristo “(bạn có bao giờ nghĩ về nó không? Ơn gọi của Chúa Kitô).

Sơ Marie de la Sagesse thì sống ở miền nam nước Pháp và phục vụ ở giáo xứ Saint Laurent, giáo phận Fréjus-Toulon.

Nhắc đến câu chuyện của họ, Sơ nói rằng “tôi coi đó là một ân sủng đặc biệt khi cả hai chúng tôi đã nhận được ơn gọi hầu như cùng một lúc. Vì vậy, sự quan phòng cuả Chuá thì thật là chu đáo, Ngài không bỏ mất bất kỳ một chi tiết nhỏ nhặt nào. Và điều mà tôi thực sự đánh giá cao là chúng tôi vẫn còn là bạn và không chỉ cho chúng tôi mà thôi, nhưng cho cả hai gia đình chúng tôi nữa.”

Trần Mạnh Trác

13/Apr/2018

  1. Cha Philipphê Phan Văn Minh

            Trong số 118 vị tử đạo ở Việt Nam, thì có 50 linh mục tử đạo. Và trong số 50 linh mục tử đạo, cuộc đời thánh Philipphê Phan Văn Minh đã được diễn thành phim, phim “Áo Dòng Đẫm Máu”. Thời trước năm 1975, phim được chiếu trong các rạp chiếu bóng ở Miền Nam.

Mạng Google đã giới thiệu cuốn phim như sau :

“Áo Dòng Đẫm Máu” là một bộ phim lịch sử của đạo diễn Nguyễn Thành Châu, ra mắt năm 1960 tại Miền Nam. Kịch bản phim của cố linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Yến, Dòng Chúa Cứu Thế. Phim nói về cuộc tử đạo của Á thánh Philipphê Phan Văn Minh ở Cái Mơn vào thời vua Tự Đức.

Trong phim, vai Á Thánh Phan Văn Minh do cố tài tử Vân Hùng thủ diễn. Cố tài tử La Thoại Tân vai Nhẫn là một kẻ ham mê bài bạc vì một phút tức giận đã đi tố cáo quan quân bắt linh mục Phan Văn Minh.

 

Thẩm Thúy Hăng, một minh tinh màn bạc của Miền Nam thời bấy giờ vào vai người yêu của Nhẫn. Trong phim còn có Trang Thiên Kim vai cô gái mặt cháy, Túy Hoa vai bà trùm là một chức sắc trong họ đạo đã nuôi giấu linh mục Phan Văn Minh“.

Rạp chiếu bóng ở Phan Rang cũng chiếu phim này. Người có đạo cũng như không có đạo đi xem rất đông. Người Công giáo thích khỏi nói. Có người xem đi xem lại hai ba lần, đặc biệt là để nghe bài hát trong phim.

Google giới thiệu vắn tắt cha Philipphê Phan Văn Minh. Trong tập sách “Thiên Hùng Sử’ của cha Bùi Đức Sinh đầy đủ hơn.

Cha Minh sinh năm 1815 ở làng Cái Mơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Vĩnh Long. Cha mẹ chết sớm. Mọi công việc trong nhà do chị hai chăm lo. Chị được gọi là “người mẹ thứ hai”.

13 tuổi cha chịu phép thêm sức, sau đó vào học chủng viện Lái Thiêu, Bình Dương. Năm 1833 vua Minh Mạng cấm đạo, chủng viện phải giải tán. Năm đó cha đã 18 tuổi. Đức cha Taberd (Ta-be) đem chủng viện sang Thái Lan lánh nạn, rồi cha được chọn đi học chủng viện Pê-năng ở Malaysia (Ma-lê-xi-a)

Năm 1835 Đức cha Taberd đi Ấn Độ, ngài gọi cha Minh sang hợp tác  soạn hai cuốn tự điển La-ViệtViệt-La. Trí khôn cha thông minh và thông thạo ngoại ngữ. Cha biết hai thứ tiếng Hán văn và La tinh. Ngày 30-7-1840 Đức cha Taberd qua đời, cha trở lại Pê-năng tiếp tục học thần học. Năm 1844 cha về Việt Nam.

Cha đi khắp các xứ đạo Tiền Giang và Hậu Giang dạy giáo lý. Năm 1846 cha được Đức cha Cuenot (Quy-nô) Thể ban chức linh mục.

Ngoài công tác mục vụ, chăm lo đàn chiên ở các xứ Đầu Nước, Xoài Mút, Chợ Bưng, Ba Giồng, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan, Giồng Rùm, Rạch U, Cái Đôi, Mặc Bắc… Cha còn lo huấn luyện những linh mục tương lai. Cha chọn các chú giúp lễ và cho ở với cha để cha dạy dỗ.

Bếp Nhẫn người làm bếp cho cha Lựu. Ông thua cờ bạc, xin tiền cha Lựu không được, ông báo cáo chính quyền. Chính quyền đem quan quân đến Mặc Bắc lùng bắt cha Lựu. Cha Lựu vừa đổi xứ, cha Minh vừa đến thay thế. Ông biện cũng tên Lựu đứng ra nói : “Tôi là linh mục Lựu đây”. Quan quân không tin, tiếp tục lục soát. Cha Minh sợ họ làm hại nhà ông biện, cha ra đầu thú. Họ bắt cha và ông biện Lựu cùng 6 quí chức nữa. Cha con bị giải lên tỉnh Vĩnh Long, bị tù đày, bị tra tấn…

Cuối cùng, ngày 3-7-1855 cha Philipphê Phan Văn Minh bị dẫn tới pháp trường Cái Sơn Bé. Theo thông lệ, người ta đãi tử tù một bữa cơm trước khi bị hành hình, nhưng cha không ăn, cha quì gối lần chuỗi và cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin thương xót con. Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con sức mạnh và can đảm chịu khổ để tôn vinh danh Chúa. Lạy Mẹ Maria, xin nâng đỡ con”.

Sau hồi chiêng trống, lý hình vung gươm chém đầu cha, một người cha mới 38 tuổi, trẻ tuổi và hăng hái. Thi thể của cha được đưa về quê hương Cái Mơn, chôn trong nhà thờ. Năm 1900 hài cốt được rước về Đại chủng viện Giuse. Năm 1960 được cung nghinh về Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn.

  1. Mẹ Dolores

          Ngày 26-2-2012, lể trao giải Oscar của Hội Điện Ảnh Mỹ. Trong ngày lễ này có sự hiện diện của nữ tu Dolores, Mẹ bề trên dòng Kín của tu viện Nữ Vương Rất Đáng Ngợi Khen (Regina Laudis) ở thành phố Bethlehem (Bét-lê-hem), tiểu bang Connecticut. Sỡ dĩ Mẹ hiện diện vì Mẹ đã đóng vai trong cuốn phim “Thiên Chúa cao cả hơn Elvis” (“God is bigger Elvis). Cuốn phim mổ tả cuộc sống của các nữ tu.

Elvis là ông tổ nhạc Rock. Ông nổi tiếng trên khắp thế giới. Mẹ đã từng đóng phim với ông. Dù là một minh tinh màn ảnh có giá, đã đóng phim với Elvis, và người ta phải trả tiền đóng phim cho Mẹ cả triệu đôla. Thế mà Mẹ đã bỏ tất cả để đi tu, tu trong một dòng kín. Mẹ đã nhận Chúa đáng giá, cao cả hơn Elvis, ông tổ nhạc Rock.

Lý do nào Mẹ bỏ tất cả tiền bạc, tình ái, danh vọng, để chọn Chúa ?

Có lần Mẹ tâm sự với một người bạn : “Đóng phim căng thẳng quá. Sau vài tuần lễ đường ai nấy đi, phải chia tay với những người bạn mới quen biết. Điều này để lại nhiều trống rỗng trong lòng”. Nghe vậy, người bạn đề nghị Mẹ đến dòng Kín tĩnh tâm. Mẹ ngại ngùng : là minh tinh ai lại  đến tu viện. Rồi Mẹ đến, và Mẹ không muốn về nữa. Mẹ xin đi tu. Nhưng Bề trên không chấp nhận, vì Mẹ còn quá trẻ mới 21 tuổi, hơn nữa lại là một minh tinh màn bạc. Mẹ về tiếp tục đóng phim. Mẹ đã đóng vai thánh nữ Clara trong cuốn phim “Thánh Phanxicô Assisi”. Mẹ được gặp Đức giáo hoàng Gioan XXIII. Mẹ tự giới thiệu với Đức gíao hoàng : “Con là Dolores Hart, diễn viên đóng vai thánh Clara”. Đức gíao hoàng nói : “Không, con là thánh Clara”. Mẹ kể : “Câu nói của ngài đọng lại trong tôi và vang vọng nhiều lần trong tai tôi”.

Mẹ tiếp tục đóng phim và quen thân với ông Donald John Robinson, một kiến trúc sư giầu có. Sau 5 năm hai người làm lễ đính hôn. Tuy nhiên, chính trong ngày lễ đính hôn, Mẹ nói với người yêu, ông Robinson : “Em chỉ muốn đi tu”. Nghe Mẹ thố lộ, ông không tin vào tai mình. Nhưng sự thật là thế. Mẹ đã bỏ ông, bỏ nghề minh tinh. Mẹ đi theo Chúa. Mẹ khấn trọn đời vào năm 1970.

Hai lý do khiến Mẹ Dolores đi tu  :

– một là : sự đời không làm thỏa mãn, lòng người vẫn cảm thấy trống rỗng.

– hai là : lời khích lệ của Đức giáo hoàng.

  1. Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi

 Chúng ta đang sống những kỷ niệm ngày 30-4. Tôi nhớ đến Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, giám mục Bùi Chu, giám mục Qui Nhơn, giám mục Đà Nẵng. Ngài là vị mục tốt hy sinh cho đoàn chiên.

Sài Gòn giải phóng ngày 30-4; còn Đà Nẵng ngày 29-3. Đưc cha kể lại cho chúng tôi nghe như sau : sáng ngày 28-3 trung tướng Ngô Quang Trưởng tập họp các tướng lãnh quân đội, các nhà lãnh đạo hành chánh, các nhân sĩ, các chức sắc tôn giáo.

Tướng Trưởng hỏi: “Chúng ta tử thủ hay là …”. Tướng Trưởng không dám nói đến hai chữ “đầu hàng”. Không ai trong buổi họp trả lời ; tử thủ hay đầu hàng.

Một mình Đức cha Phêrô đứng lên nói : “Chúng ta tử thủ thế nào? Nếu tử thủ không nổi thì đầu hàng kẻo dân chúng chết oan”. Lúc đó dân chúng Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi chạy đến Đà Nẵng, ở trong các trường học, trong các công sở, tràn đầy đường phố.

Nghe Đức cha nói “đầu hàng”, một vị tướng, dường như tướng Lâm Quang Thơ giận quá, đấm tay xuống bàn nói với Đức cha ; “Giám mục đầu hàng cộng sản à ?”

Đức cha đáp : “Tôi nói đầu hàng, vì các vị không nói cho biết tử thủ cách nào. Nếu không tử thủ được thì đầu hàng, kẻo chết dân”. Cuộc họp không đưa ra một giải pháp nào và giải tán.

Quãng 9 giờ tối, Đức cha nghe điện thoại reo. Đức cha bắt máy. Tướng Trưởng ở đầu giây bên kia nói : “Đêm nay tôi bỏ ngỏ Đà Nẵng. Tôi đi trực thăng ra hạm đội Mỹ. Giám mục có đi, tôi cho trực thăng đậu ở bờ biển đón giám mục…”. Đức cha đáp : “Cám ơn trung tướng. Tôi không đi. Tôi ở lại với đàn chiên của tôi”.

Câu chuyện này về sau nhà văn đại tá Nguyễn Khải đã thuật lại trong tập truyện “Thời Gian Của Người”. Song ông thuật lại sai câu nói của Đức cha. Thay vì câu nói : “Tôi không đi. Tôi ở lại với đoàn chiên của tôi” thì ông lại viết : “Tôi không đi. Vaticăng bảo tôi ở lại tổ chức Bắc tiến”.

Nghe tướng Trưởng nói xong, Đức cha tập họp các cha, những người đang lánh nạn ở Tòa Giám Mục và bảo : “Đêm nay tướng Trưởng bỏ Đà Nẵng. Tôi ở lại. Các cha và ai cảm thấy bất an thì liệu cách mà đi, không đi thì ở lại với tôi”.

Nghe Đức cha nói “tôi ở lại với đàn chiên của tôi”, chắc có cha đã khóc.

Đêm đó tướng Trưởng ra đi, còn Đức cha ở lại. Sáng hôm sau 29-3, các thầy Phật giáo rước quân đội giải phóng vào thành phố Đà Nẵng.

Ngày hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ. Ngày nay ít người đi tu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có người đi tu, cho các linh mục biết hy sinh, quảng đại hiến thân cho đoàn chiên.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành