Chúa Nhật 6 Phục Sinh – Năm B


CN 6 PS NĂM B

9-5-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Hải

GIÁO HUẤN SỐ 24

MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆN VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ

Đức Kitô đang sống (tt)

Nếu trong tâm hồn mình các con có thể học biết trân trọng vẻ đẹp của sứ điệp này, nếu các con sẵn sàng gặp gỡ Chúa, nếu các con sẵn sàng để cho Người yêu thương và cứu các con, nếu các con có thể làm bạn với Người và bắt đầu trò chuyện với Người, Đức Kitô hằng sống, về các thực tại trong cuộc đời mình, thì các con có một kinh nghiệm sâu xa có thể nâng đỡ toàn bộ cuộc sống Kitô hữu của các con. Các con có thể chia sẻ kinh nghiệm ấy với các bạn trẻ khác. Vì làm một Kitô hữu, đó không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao vời, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, vốn đem lại cho đời sống một chân trời mới và một chiều hướng quyết định (Tông huấn Đức Kitô đang sống số 129).

———————-

CN 6 PS NĂM B

(Cv 10, 25-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17)

Đọc kinh, xem lễ, xưng tội, rước Mình Thánh Chúa là những thứ họ khao khát, dù mặt thông hiểu ‘lẽ đạo’ thì còn kém là cái chắc! Phải công nhận rằng, bổn đạo xa xưa đã sống Lời Chúa trọn vẹn trong việc kính Chúa yêu người. Phải nói là các vị ấy đã sống đạo chứ không phải chỉ giữ đạo, bằng cớ là nhiều nhà truyền giáo đầu thế kỷ XVII ở Đàng Ngoài đã khen ‘đứt lưỡi’ về lòng thương yêu nhau của anh chị em bổn đạo. Chính trong bản báo cáo dài 98 trang khổ lớn của cha Gaspar d’Amaral viết bằng tiếng Bồ Đào Nha từ kinh đô Thăng Long ngày 31-12-1632 gửi cha Andre Palmeiro ở Macao, chẳng những thuật lại những kết quả truyền giáo lớn lao, mà còn ghi nhận rằng “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” (Đỗ Quang Chính, Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trang 61).

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay dạy chúng ta yêu nhau.

Bài đọc 1: Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm viết về bđ1 như sau: “Phêrô bước vào nhà ông Cornêliô. Đó là một sự mới mẻ chưa bao giờ thấy xảy ra… Phêrô là một người Do Thái trước kia làm nghề chài lưới và bây giờ là thủ lãnh của một đạo mới thành hình. Mặc dầu mới và bị đạo cũ đàn áp, thứ tôn giáo này vẫn giữ nề nếp của Do Thái giáo. Phêrô và cấp lãnh đạo vẫn đinh ninh và hãnh diện tiếp nối sự nghiệp của Israel cũ. Tin Mừng cứu độ mà họ vừa lãnh nhận để đem đi rao giảng khắp nơi, theo họ nghĩ, đã được hứa ban cho con cái Israel mà thôi. Thế nên họ không hề có ý tưởng tiếp xúc với dân ngoại. Họ còn sợ việc đó nữa, vì nó sẽ làm họ ra ô uế theo quan niệm sạch dơ của Do Thái giáo.

 Còn phía bên ông Cornêliô, thành kiến cũng nhiều và nặng lắm. Ông là quan ở ‘mẫu quốc’ sang đây cai trị, vì khi ấy Do Thái là đất bảo hộ của đế quốc Rôma. Làm sao ông có thể có ý tưởng sai người đi mời một anh ngư phủ người Do Thái đến dạy khôn cho mình.

 Tuy nhiên, Phêrô và Cornêliô, hai con người của hai thế giới và của hai nền văn minh khác nhau, và kình địch nhau nữa, lại có chung một mẫu số. Họ đều ‘kính giới Thiên Chúa và làm lành, nên đều được Thiên Chúa chiếu cố’ (c.36). Người cho Phêrô thấy một thị kiến và bảo phải nuốt cả những vật mà Phêrô vẫn bảo là dơ. Và Người sai một sứ thần đến nói với Cornêliô phải cử người đi mời Phêrô đang ở nhà một người thợ thuộc da đến, để cả nhà được ơn cứu độ. Cả Phêrô lẫn Cornêliô đều vâng lời. Và chúng ta thấy có cuộc gặp gỡ hôm nay như lời sách Công Vụ kể…

 Không phải Cornêliô hay Phêrô đã có sáng kiến và can đảm chọc thủng được bức tường chia rẽ vạn niên. Bài sách Công Vụ hôm nay thuật lại: đó là việc Thiên Chúa làm. Chính Người dùng Phêrô và Cornêliô để đưa Hội Thánh mở sang tất cả thế giới. Chính Người sáng tạo con đường Tin Mừng cứu độ đi vào lòng các dân tộc (Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm B, trang 208-209.210).

Bài Tin Mừng: Cha Nguyễn Công Đoan viết về Bài Tin Mừng hôm nay như sau: “Chúa Giê-su nhắc lại ‘điều răn mới’ (13,34) với tên gọi ‘điều răn của Thầy’ và Chúa cho thước đo ‘không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình’. Chúa Giê-su đã yêu chúng ta bằng mức độ ấy, như thánh Phao-lô nói: ‘Người đã yêu thương tôi và đã thí mạng vì tôi’ (Gl 2,20). Và khi ấy chúng ta chưa phải là bạn hữu của Người, chính Người thí mạng vì chúng ta để làm cho chúng ta thành bạn hữu của Người.

 ‘Tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế chúng ta cũng phải yêu thương nhau’ (1Ga 4,10-110).

 Chúa Giê-su đặt mức ấy làm thước đo khi truyền ‘hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em’. Thư 1Ga sẽ nói rõ: ‘Căn cứ điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì, đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em’ (1Ga 3,16).

Thánh Phao-lô coi điều này là cơ sở cho chúng ta được vững lòng trông cậy” (Tĩnh Tâm Với Tin Mừng Gio-an, tập II, trang 85-86).

Bài đọc 2: Cha Hồ Thông viết về bđ2: “Chúng ta tiếp tục suy niệm thư thứ nhất của thánh Gioan. Trong đoạn trích này, chúng ta gặp lại chủ đề mà thánh Gioan không ngừng lặp đi lặp lại: Thiên Chúa là tình yêu, vì thế chúng ta hãy yêu thương nhau. Lời khuyên bảo này được xoay quanh hai ý tưởng: Trước hết, Thiên Chúa là tình yêu, vì thế tình yêu là lối ngõ dẫn vào cuộc sống tâm giao với Thiên Chúa. Sau nữa, tình yêu Thiên Chúa được chứng thực ở nơi việc Ngài đã ban cho nhân loại Người Con của Ngài (Phụng Vụ Lời Chúa Năm B, trang 257).

Lạy Mẹ Trà Kiệu, lạy Thánh Giuse, lạy Chân phước Anrê-Phú Yêu, xin giúp chúng con thực thi giới răn yêu thương.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành