Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên Năm A


CN 7 PS NĂM A

CHÚA THĂNG THIÊN

24-5-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Cẩm Lệ

GIÁO HUẤN SỐ 25

Lịch Giáo Phận trang 78

Những ai trong chúng ta không còn trẻ nữa thì cần phải tìm cách gần gũi với những tiếng nói và những mối quan tâm của người trẻ. Việc sáp lại gần nhau sẽ tạo điều kiện cho Giáo hội trở thành một nơi chốn của đối thoại  trao chứng tá về tình huynh đệ quên mình. Chúng ta cần dành nhiều chỗ hơn nữa cho tiếng nói của người trẻ được lắng nghe: Việc lắng nghe giúp người ta có thể trao đổi các ân ban trong một bối cảnh thấu cảm nhau … Đồng thời nó tạo điều kiện để việc rao Tin Mừng có thể chạm đến trái tim người ta một cách thực sự, mạnh mẽ và sinh hoa trái (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống số 38).

—————————————–

CN 7 PS NĂM A

(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23, Mt 28,16-20)

Trong tập sách “Hành trình và Truyền giáo”, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) kể câu chuyện “thiên đàng” sau đây: “ trong tỉnh Phú Yên có một người giáo dân rất tốt, nổi tiếng, tên là Em-ma-nu-el. Ông chăm sóc thân xác và linh hồn giáo dân cũng như lương dân và ông thường khuyên họ tin theo đạo thật. Khi tôi đến ít lâu thì ông mắc bệnh hiểm nghèo làm cho giáo dân lo lắng sợ mất một bó đuốc soi sáng cho cả giáo đoàn. Ngày đêm họ ở cạnh ông.

 Một ngày kia giáo dân vây quanh giường ông, vì ông quá kiệt sức, làm cho người ta tưởng ông tắt thở. Sau mấy giờ ông hồi tỉnh và mọi người rất bỡ ngỡ khi biết qua miệng ông nói đó là một cơn ngất trí. Ông nói Chúa đã cho ông thấy thiên đàng, nơi có nhiều sự tuyệt vời ông không thể nào tả hết được, ở đó có mấy giáo dân ông quen biết khi ông còn sống đã làm gương sáng nhân đức, nhưng ông không kể tên riêng ai cả. Đây không phải là giấc mơ bởi vì đồng thời ông trỗi dậy khỏe khoắn như thể chưa bao giờ đau yếu, mặc dầu trước đây ông bị bệnh khó lòng sống nổi. Thế rồi từ đó ông chán ghét các sự trần thế này, ông không thể không nghĩ đến những vẻ đẹp ông đã thấy ở trên trời. Khi ông ở với họ hàng thân thuộc, ông không nói gì ngoài những niềm hy vọng cao cả, mắt luôn hướng lên trời và tâm hồn hình như muốn ngả về lâu đài tuyệt vời ông đã xem thấy.

 Ông chẳng còn thiết ăn uống ngủ nghỉ và có chăng nữa thì chỉ bất đắc dĩ, ông nóng lòng sốt ruột trẩy về thiên quốc. Như vậy, người ông héo hon dần và tắt thở sau mấy tháng trong một niềm hân hoan lạ lùng, đến nỗi lúc ông sắp chết, người ta thấy nơi khuôn mặt ông và toàn thân ông có những cử động và rung chuyển sung sướng chưa bao giờ thấy nơi ông. Thật ra những người biết cõi trời quí giá đến thế nào thì không còn thèm tất cả những gì là đẹp đẽ nhất ở dưới đất.

 Không phải chỉ có Emmanuel cảm thấy những lạc thú thiên đình, người ta kể gần như cùng lúc đó, một giáo dân nhiệt tâm khác, khi suy niệm về vinh quang các thánh ở trên trời thì cũng nghe thấy tiếng thánh thót Chúa mời gọi về dự tiệc lớn trên trời. Ông vui thích quá đến nỗi từ đó ông không thể dùng thịt thà gì nữa và sau đó ít lâu, ông mất trong hương vị lạc thú trên thiên đình, nơi đã có sẵn chỗ cho ông” (Hồng Nhuệ chuyển ngữ, trang 104-105).

Ông Yuri Gagarin, phi hành gia Liên Xô, là người đầu tiên bay lên trời và bay vòng quanh trái đất vào ngày 12-4-1961. Sau chuyến bay, ông phát biểu rằng : “Ông không thấy Chúa ở trên trời”.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2006, người bạn của ông là Petrov nói rằng : ông Gagarin không bao giờ nói lời đó. Đó là lời của thủ tướng Liên Xô Khrushchev nói trong cuộc mít-tinh mừng chuyến bay của ông Gagarin. Ông Petrov cũng cho biết: ông Gagarin đã rửa tội khi còn bé.

Trong tạp chí Forma, cha sở giáo xứ Chính Thống của ông cũng nói : trước chuyến bay vào vũ trụ, ông đã dự lễ rửa tội cho con gái đầu của ông; và gia đình thường đi dâng lễ. Trong nhà của phi hành gia có trưng bày ảnh tượng. Ông Gagarin sinh năm 1934, chết năm 1968 trong vụ tai nạn máy bay đâm nhau.

Sách giáo lý cho người trẻ giải nghĩa trời như sau : “Trời là nơi ở của Thiên Chúa, nơi ở của các Thiên thần và các Thánh, là đích điểm của việc sáng tạo” (Youcat số 52)

Và sách giáo lý giải nghĩa thêm : “Trời không phải là một nơi nhất định nào đó trong vũ trụ. Trời là một tình trạng trong đời sống mai sau. Trời là nơi Chúa thực thi ý muốn của Người mà không có gì chống đối. Trời là nơi có cuộc sống mãnh liệt nhất, hạnh phúc nhất, một cuộc sống không thể nào có được ở trần gian. Khi nh ơn Chúa giúp ta được về trời, ta chờ đợi ở đó điều mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng chưa hề cảm biết, tất cả những gì Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu Người  (Youcat số 52).

Bài Tin Mừng: Đức giáo hoàng Phanxicô đã giảng trong quảng trường thánh Phêrô như sau : “Trang Tin Mừng hôm nay (x. Mt 18,16-20) là phần kết của Phúc Âm theo Thánh Mátthêu  trình bày cho chúng ta giây phút chia tay cuối cùng của Đấng Phục Sinh với các môn đệ của Người. Cảnh này xảy ra tại Galilê nơi Đức Giêsu đã gọi các môn đệ đi theo Người. Giờ đây các môn đệ này đã đi qua “lửa” của cuộc thương khó và phục sinh; khi thấy Chúa sống lại, họ phủ phục trước mặt Người, nhưng có một số vẫn còn hoài nghi. Đối với cộng đoàn vẫn còn lo sợ này Người giao cho họ nhiệm vụ vô cùng lớn lao là rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới và Người cụ thể hóa sứ mệnh này bằng lệnh truyền giảng dạy và rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. c.19).

Như thế, việc Đức Giêsu lên trời cấu tạo nên phần cuối của sứ mệnh mà Chúa Con đã lãnh nhận từ Chúa Cha, và từ phía Giáo hội, thì đây là khởi điểm trong việc đeo đuổi sứ mệnh Chúa giao. Vì chưng kể từ lúc này trở đi , kể từ lúc lên trời, thì sự hiện diện của Đức Kitô được thể hiện qua trung gian của các môn đệ Đức Giêsu, là những người tin vào Người, và loan báo Người cho toàn thế giới. Sứ mệnh này sẽ kéo dài cho đến tận cùng lịch sử, và mỗi ngày đều được Chúa phục sinh giúp đỡ, Người là Đấng đã đảm bảo : “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (c.20).

Và sự hiện diện của Chúa mang lại cho chúng ta sức mạnh khi chúng ta bị bách hại, úy lạo cho chúng ta trong những lúc gian truân thử thách, nâng đỡ chúng ta trong những tình huống khó khăn, mà sứ mệnh và công việc loan báo Tin Mừng phải đương đầu. Việc Chúa lên trời nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Giêsu và Thần Khí của Người vẫn tiếp tục giúp đỡ chúng ta, Thần Khí Đấng mang lại cho chúng ta hy vọng và an toàn, khi chúng ta làm chứng cho Chúa trên trần gian này. Biến cố Thăng Thiên mặc khải cho chúng ta biết lý do hiện hữu của Giáo hội. Giáo hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng. Giáo hội hiện hữu chỉ để làm điều đó mà thôi. Niềm vui của Giáo hội cũng là loan báo Tin Mừng. Giáo hội là tất cả mọi người trong chúng ta, những người được rửa tội. Ngày hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hiểu rõ hơn Người đã ban cho chúng ta phẩm giá lớn lao, và giao cho chúng ta trách nhiiệm, đó là loan báo Tin Mừng cho thế giới, đó là làm cho Tin Mừng đến với muôn dân. Đây là phẩm giá của chúng ta, đây là danh dự lớn nhất của mỗi người trong chúng ta, của những ai đã được rửa tội” (JB Lê Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A 2020, trang 186-187).

Bài đọc 1 : Bài đọc 1 đọc sách Công Vụ Tông Đồ của thánh Luca. Đoạn sách chúng ta đọc cũng nhắc nhở chúng ta sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Nhóm CGKPV viết : “Phần nhập đề 1,1-11 tóm tắt mọi hoạt động của Chúa Giêsu phục sinh. Trước khi thăng thiên, Người dạy bảo các tông đồ để các ông am tường Nước Thiên Chúa và hứa ban Thánh Thần để các ông có thể làm chứng cho Đức Kitô đến tận cùng trái đất. Đức Giêsu lên trời chấm dứt sự hiện diện hữu hình.  Người còn hiện diện cách mầu nhiệm qua hoạt động của các tông đồ và đời sống của cộng đoàn các tín hữu” (Kinh Thánh 2011, trang 2409)

Vì nhiệm vụ “làm chứng”, “loan báo Tin Mừng”, nên thiên thần mới bảo các tông. đồ : “Hỡi những người Galilê, sao  còn đứng nhìn trời ?” (Cv 1,11).

Bài đọc 2 : Bài đọc 2 là một đoạn thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô. Êphêsô là một thành phố ở nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thánh Phaolô đã ở đây hơn 2 năm (Cv 19). Hai câu cuối của đoạn thư, thánh Phaolô đã ví Hội Thánh là thân thể Đức Kitô : “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh, mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả viên mãn” (Ep 1,22-23).

Có một câu chuyện cổ, mà ông William Barclay, người Anh giáo, kể. Câu chuyện nói đến sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh : “Khi Chúa Giêsu về thiên đàng. Người vẫn còn mang dấu vết của thập giá. Trong lúc các thiên thần truyện trò với Người, thiên thần Gáp-ri-ên lên tiếng : ‘Thưa Chúa, chắc Ngài đã chịu đau thương nhiều vì loài người dưới thế’. Chúa Giêsu trả lời : ‘Đúng vậy’. Gápriên hỏi tiếp : ‘Như vậy tất cả mọi người có biết Chúa yêu họ và làm gì cho họ không ?’. Chúa trả lời : ‘Ô không, chưa đâu, bây giờ chỉ có một số người Do Thái biết mà thôi’. Gápriên nói tiếp : ‘Thế Ngài làm gì để mọi người biết điều đó ?’ Chúa đáp : ‘Ta đã nhờ Phêrô, Giacôbê, Gioan và một ít người khác nhận trách nhiệm nói cho những người khác, những người khác nói cho những người khác nữa, cho đến lúc những người ở xa nhất trên địa cầu biết điều Ta đã làm’. Gápriên có vẻ hoài nghi vì thiên thần này biết rõ con người đã được tạo dựng từ thứ gì, nên nói : ‘Nhưng nếu Phêrô, Giacôbê, Gioan trở nên mệt mỏi thì sao ? Nếu những người tiếp nối họ quên đi thì sao ?’. Chúa trả lời : ‘Ta tin cậy họ’. Khi bảo rằng Hội Thánh là thân thể của Chúa Kitô chính là muốn nói Chúa Giêsu đặt kỳ vọng nơi chúng ta” (Dương Đình Tảo chuyển ngữ, Thư Gửi Tín Hữu Êphêsô, trang 73).

Trong lần hiện ra thứ nhất ngày 13-5-1917 tại Fatima, khi thấy ba em Lu-xi-a,  Phan-xi-cô, Gia-xin-ta sợ hãi, Đức Mẹ trấn an nói :

Đừng sợ, Ta không làm hại các con. Ta từ trời xuống.

Nghe Đức Mẹ nói : “Ta từ trời xuống”, Chị Lu-xi-a run rẩy hỏi :

Thưa Bà Đẹp, con có được lên trời với Bà không ?

Đức Mẹ bào :

Được !

Lu-xi-a hỏi tiếp :

Còn Phan-xi-cô và Gia-xin-ta có được Bà đưa về trời không ?

Đức Mẹ nói :

Cả hai đều được về trời với Ta; riêng Phan-xi-cô phải lần chuỗi nhiều.

Xin Mẹ Trà Kiệu giúp chúng con siêng năng lần chuỗi, để được về thiên đàng với Chúa và Mẹ.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành