Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm C


Chúa Nhật V Mùa Chay

7-4-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Phú Thượng

GIA1O HUẤN SỐ 19

Những vết thương cũ (tt)

Lịch Giáo Phận trang 56

Nhiều người bước qua thời thơ ấu mà không bao giờ cảm nhận mình được yêu thương vô điều kiện, và điều này làm tổn thương tới khả năng tin tưởng và tự hiến của họ. Một tương quan thảm hại với cha mẹ và anh chị em, nếu như không bao giờ được chữa trị, sẽ lại xuất hiện và gây tổn hại cho đời sống lứa đội. Bởi thế, cần tiến hành một cuộc giải phóng mà ta chưa bao giờ đối mặt. Khi quan hệ vợ chồng  không được êm đẹp, trước khi đưa ra quyết định quan trọng, phải đảm bảo rằng mỗi người đã thực hiện tiến trình chữa trị vấn đề của đời mình. Điều đó đòi hỏi phải nhìn nhận sự cần thiết của việc chữa trị, ta thiết nài xin ơn tha thứ và được thứ tha, chấp nhận sự giúp đỡ, tìm kiếm những động lực tích cực và luôn bắt đầu thử nghiệm lại. Mỗi người phải rất chân thành với chính mình để thừa nhận rằng cách sống tình yêu của mình như thế là chưa trưởng thành. Dầu có vẻ rõ ràng tất cả là lỗi của người kia, nhưng khủng hoảng  không bao giờ có thể vượt qua nếu chỉ trông chờ người kia thay đổi. Cũng phải tự hỏi xem những gì trong cuộc sống cá nhân cần được phát triển  cho chín chắn hay được chữa trị để tiến tới việc giải quyết sự xung đột (Niềm Vui của Tình Yêu số 240).

———————————–

Chúa Nhật V Mùa Chay

(Is 43, 16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-12)

Trong tập sách “Hành Trình Và Truyền Giáo”, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) viết : “Thù địch hung hãn cũng không nể nang phái yếu. Có bốn bà có đạo đã tỏ cho biết, niềm tin Chúa Kitô và trông đợi phúc thiên đàng làm cho kẻ yếu nhất được can tràng thắng mọi cực hình” (Nguyễn Khắc Xuyên chuyển ngữ, NXB Đoàn Kết 1994, trang 170).

Sau đó cha kể 4 bà. Có lẽ 4 bà là người Quảng Nam.

1- Bà Paula : cha Đắc Lộ kể : “Người thứ nhất là một bà sang trọng tên là Paula. Bà bị bắt và bị tra tấn, thế nhưng bà chịu đau đớn và xỉ nhục rất can đảm không ai lay nổi, không bao giờ tỏ ra sợ hay giận dữ, làm cho kẻ bắt bà phải thả bà ra và nhiều lời khen ngợi. Chúng không thắng được lòng kiên trung của bà thì đành phải buông lời ca tụng” (Nguyễn Khắc Xuyên, Sđd, trang 171).

2&3- Cô Lucia và Ruffinê : Cha Đắc Lộ kể : “Bà đạo đức này không có con, nhưng nuôi hai cô con gái lớn. Sau khi bà cho rửa tội làm giáo dân, thì bà giáo huấn và làm gương thực hành các nhân đức. Tên hai cô là Lucia và Ruffinê. Cả hai đều bị bắt cùng với mẹ nuôi cũng là chủ. Cả hai đều tỏ ra can tràng không kém mẹ.

Toán lính buộc vào cổ một cái gông rất nặng với một dây như dây buộc chó. Người Đàng Trong thường dùng hình phạt này để phạt những người đàn bà phạm trọng tội, ai cũng gớm ghét hình phạt này, nhưng Lucia và Ruffinê chỉ tươi cười. Người ta dẫn hai cô với đồ trang sức này tới tòa quan tên là Đề Lĩnh (Đề Lĩnh, theo tự điển Alexandre de Rhodes là chức quan xét những vụ cướp bóc… Tự vị Theurel 1877 ghi là quan cai quản kho nhà vua). Ông vừa đe loi vừa dụ dỗ, nhưng cả hai can đảm hơn quan tòa hung ác và khôn khéo. Người ta tra tấn, đem phơi nắng giữa trưa, lúc nồng nực không sao chịu nổi. Thế mà thấy những khuôn mặt thiên thần dưới ánh nắng mặt trời chói chang, lương dân động lòng thương khóc chảy nước mắt và đem nón đội cho.

Chính quan có mặt cũng xúc động. Ông truyền cho hai cô nếu muốn có nón đội  thì hãy chối Chúa Kitô. Vừa nghe lời đó, hai cô liền ném nón xuống đất và nói với quan : nếu ông có cách nào khác để cho mình bỏ đức tin hơn ánh sáng mặt trời, thì ông đứng hòng đổi mình được và nếu ông coi lửa nóng hơn hết thì ông cứ bạo thử xem ngọn lửa Chúa Kitô có nóng hơn ngọn lửa của hết các lò kẻ hung bạo. Viên quan xấu hổ và mọi người đứng dự đều thán phục sức mạnh của đức tin ban cho những người yếu ớt nhất” (Nguyễn Khắc Xuyên, Sđd, trang 171).

4- Bà khác : Cha Đắc Lộ kể : “Cũng có bà khác, lúc đầu không can đảm bằng ba bà này. Bà rất sợ cái dây chòng ở cổ cột vào tấm gỗ nặng, đến nỗi bà thà chối đạo hơn đeo gông. Nhưng khi được tin Lucia và Ruffinê vui lòng chịu khổ thì bà xấu hổ vì hèn nhát. Bà tới nói với tôi xem có cách nào chuộc tội và xin Chúa tha thứ về sự xỉ nhục bà làm cho Chúa. Tôi bảo bà cách ăn nói và tôi cũng cho bà biết chúng ta có một Thầy chí thánh. Người sẵn lòng tha thứ miễn là chúng ta thành thực nhận tội. Tội tuy nặng nhưng có cách sứa lại nếu có can đảm đến quan tòa tuyên bố trước mặt ông : bà sẵn sàng chịu mọi hành hình tra tấn vì kính mến Đấng mình đã tỏ ra bất trung.

Không chờ nói tới lần thứ hai, bà đi thẳng tới và nói với ông Nghè Bộ cách rất quả quyết làm cho ông này rối trí. Ông đe loi, dụ dỗ, rồi cuối cùng không làm được gì. Không mong làm cho bà đổi ý, ông liền đuổi bà ra khỏi tòa. Thế là bà thắng trận vinh quang, không như lần đầu bà đáng bị quở mắng” (Nguyễn Khắc Xuyên, Sđd, trang 172).

Ba bài đọc thánh lễ Chúa nhật hôm nay nói lên lòng tha thứ của Thiên Chúa, như cha Đắc Lộ nói với bà thứ tư : “Chúng ta có một Thầy chí thánh. Người sẵn lòng tha thứ miễn là chúng ta thành thực nhận tội”.

 Bài đọc 1 : Bài đọc 1 trích trong phần II sách ngôn sứ I-sai-a gọi là “Sách An Ủi”. Ngôn sứ đã an ủi những người Ít-ra-en bị lưu đày bên Ba-by-lon, khi loan báo cho họ biết Thiên Chúa sắp đến giải phóng họ khỏi cảnh lưu đày mà trở về quê hương xứ sở.

Những người lưu đày bi quan. Làm sao có thể được ? Đã 50 năm đợi chờ rồi. Ngôn sứ nhắc lại biến cố Thiên Chúa giải thoát tổ tiên cha ông họ khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Thiên Chúa rẻ đôi Biển Đỏ để cha ông họ đi ráo chân. Trong khi đó quân Ai Cập bị đắm chìm trong biển nước. Cuộc giải thoát khỏi Ai Cập là biến cố, là dấu hiệu cho biết cuộc giải phóng sắp đến. Thiên Chúa sẽ dẫn đưa, sẽ giải thoát họ. Không có lý do gì mà thất vọng (Monique Piettre, Comprendre La Parole, trang 72).

Chúng ta cùng ngôn sứ I-sai-a đọc lại lời đầy ủi an của Thiên Chúa : “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao ?” (Is 43,19).

Bài Tin Mừng : Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện “Người Phụ Nữ Ngoại Tình”. Trong bài giảng thánh lễ ngày 17-3-2013 của Đức giáo hoàng Phan-xi-cô, có đoạn như sau : “Nếu chúng ta giống như người Biệt phái đứng trước bàn thờ thưa với Chúa : Con cám ơn Chúa vì con không giống như tất cả những người khác, và cũng không giống như gã đứng ngoài cửa, như tên thu thuế kia (x.Lc 18,11-12) thì chúng ta sẽ không biết được quả tim của Chúa, và chúng ta sẽ không bao giờ cảm nghiệm được niềm vui được Chúa nhân từ thương đến ! Tín thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa thì thật chẳng dễ dàng chút nào, bởi vì lòng nhân từ của Thiên Chúa là một vực thẳm mà trí khôn chúng ta không thể nào hiểu được. Nhưng chúng ta phải tín thác vào lòng nhân từ của Chúa : “Ôi thưa cha, nếu cha biết được cuộc đời của con, thì cha sẽ không nói với con như thế đâu !”. “Tại sao thế bạn đã làm gì ?”. “Ôi, con là một đại tội nhân !”. “Càng tốt ! Hãy đến với Chúa Giê-su. Người thích bạn kể cho Người nghe những điều đó !”. Người sẽ quên hết thôi. Người có khả năng tuyệt vời là rất dễ quên. Người quên, Người ôm hôn bạn, Người ôm bạn trong vòng tay, và Người chỉ nói với bạn : “Ta cũng thế, Ta không lên án anh, không lên án chị đâu, hãy đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Đó là lời khuyên duy nhất mà Người nói với bạn. Sau một tháng, nếu chúng ta vẫn còn ở trong tình trạng như thế… Chúng ta hãy quay lại với Chúa. Chúa không bao giờ cảm thấy mỏi mệt khi phải tha thứ đâu : không bao giờ ! Chỉ có chúng ta mới là người cảm thấy mỏi mệt xin Chúa tha thứ. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn không biết mỏi mệt khi phải xin Chúa tha thứ, bởi vì Người không bao giờ mỏi mệt khi phải tha thứ. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn này” (GB. Lưu Văn Lộc, Tin Mừng Chúa Nhật Năm C, trang 97).

Bài đọc 2 : Đoạn thư thánh Phao-lô gửi cộng đoàn Phi-líp-phê trong bài đọc 2, càng cho biết ơn cao quí Thiên Chúa ban qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô, Con yêu quí của Người. Thánh Phao-lô viết : “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô. Và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải  nhờ sự công chính của tôi, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô… Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cũng được thông phần những đau khổ của Người, nhò nên đồng hình dồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết ” (Pl 3,8).

Lời của thánh Phao-lô khác nào lời của thánh Gio-an : “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người  đến làm của  lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10-11).

Lời nguyện đầu lễ Chúa nhật 26 là : “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả”.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành