Chúa Nhật II Thường Niên – Năm C


CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM C

16-1-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Phú Hương

GIÁO HUẤN SỐ 8

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Tuổi trẻ và dấn thân (tt)

Ngày nay, tạ ơn Chúa, nhiều bạn trẻ trong các giáo xứ, các trường học, các phong trào và các nhóm ở đại học thường đi ra, dành thời giờ gặp gỡ những người già yếu, hoặc thăm viếng các khu xóm nghèo, hay đáp ứng các nhu cầu của người ta xuyên qua những ‘buổi tối từ thiện’. Rất thường họ nhận ra rằng ở đó họ nhận nhiều hơn là cho. Chúng ta lớn lên trong khôn ngoan và trưởng thành khi chúng ta dành thời giờ để tiếp xúc trực tiếp với nỗi đau khổ của người khác. Người nghèo có sự kkhôn ngoan giấu ẩn, và chỉ bằng vài lời nói, họ có thể giúp chúng ta khám phá những giá trị thật bất ngờ (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 171).

———————-

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Is 62, 1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11)

Ngọc Liên công chúa

Ngọc Liên là con gái đầu của Sãi vương Nguyễn Phước Nguyên, Bà được cha Buzomi rửa tội năm 1636, nhờ ảnh hưởng của bà Minh Đức Vương thái phi. Chồng bà là ông Nguyễn Phúc Vinh, quan trấn Phú Yên. Ông ước mong mọi người dưới quyền theo đạo “Hoa Lang”; còn ông thì không theo, có lẽ ông có nhiều thê thiếp.

Ngọc Liên rất nhiệt tình với Đạo, có một nhà nguyện riêng trong dinh của bà và anh chị em có thể tới cầu nguyện. Cha Rhodes ở trong dinh của tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép rửa cho 90 người, trong số này có cậu Anrê-Phú Yên. Từ năm 1643 Ngọc Liên theo chồng về cự ngụ tại Thanh Chiêm, bà vẫn một lòng đạo, hăng say giới thiệu Tin  Mừng, kể cả sau khi tướng Vinh qua đời năm 1645. Ngọc  Liên công chúa lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương), lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng Đàng Trong, Đầu năm 1645, bà cũng có dịp gặp gỡ và giúp đỡ 4 nữ tu Clara cùng hai cha dòng Phanxicô (tất cả là người Tây Ban Nha). Đi tầu từ Áo Môn về Manila, bị gió bão trôi dạt vào Quảng Nam. Năm 1663 chính quyền ra lệnh khám xét nhà Ngọc Liên, tịch thu nhiều của cải vì bà theo Đạo Hoa Lang, lại còn thiêu hủy nhà nguyện của bà. Hai năm sau, Hiền Vương ra lệnh cấm đạo ngặt hơn: ngày 29-1-1665 bà bị giam trong một nhà ngục không mái che, để cho chết đói chết khát, bà không chịu nổi, nên đã chối đạo. Tuy nhiên đầu tháng 2-1665, khi gặp cha Louis Chevreuil MEP, bà đã xưng tội, nhưng bà bị cha phạt không cho rước lễ ngay. Không rõ Ngọc Liên qua đời năm nào? Năm 1674 bà còn sống và vẫn dạy giáo lý (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang73-74).

Bà Nguyễn Thị Mai Anh

Một người từng phục vụ trong Dinh Độc Lập dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận xét: “Tôi luôn luôn giữ lòng quý mến đối với Tổng thống Phu nhân. Bà lúc nào cũng giữ nếp sống bình dị của người đàn bà phúc hậu, bao dung của sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với tôi, bà Thiệu là hình ảnh một người mẹ, một người vợ hiền đảm đang hơn là một vị Đệ Nhất Phu nhân sống trong tột đỉnh của quyền thế và nhung lụa giàu sang. Bà là điển hình của mẫu người phụ nữ lớn lên trong gia đình được hấp thụ trọn vẹn một nền giáo dục Khổng Mạnh (tuy bà là người Công giáo) mà chúng ta thường thấy trong xã hội miền Nam thời thập niên 40. Bà Thiệu luôn luôn tỏa ra sự trong sáng và vui tươi. Bà không bao giờ câu nệ về cách ứng xử của nhân viên thuộc cấp. Mỗi lần gặp mặt, bà luôn luôn lên tiếng hỏi thăm sức khỏe chúng tôi trước, không kịp để chúng tôi chào bà. Điều đặc biệt là bà không bao giờ đề cập đến bất cứ chuyện gì có liên hệ đến việc làm của ông Thiệu với chúng tôi. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, chỉ có một lần duy nhứt tôi nghe bà than phiền với ông Thiệu bằng lời lẽ rất ôn tồn về một nhân vật có đầy quyền thế tại Phủ Tổng thống trong lúc tôi đang đứng bên cạnh” (Mạng You Toube).

Đức tin Công giáo của công chúa Ngọc Liên và bà Nguyễn Thị Mai Anh phần nào phản ảnh câu chuyện “Cô dâu” của ngôn sứ I-sai-a trong bđ1 và câu chuyện “Tiệc cưới Ca-na” trong bài Tin Mừng.

Bài đọc 1 (Is 62,1-5): Cha Kevin O’Sullivan viết về bđ1 như sau: “Sau cuộc lưu đày ở Ba-by-lon trở về vào năm 538 tCN, dân Do Thái thấy tường thành, nhà cửa của Đền thờ Giê-ru-sa-lem đổ nát. Thật là buồn và thất vọng. Nhưng Thiên Chúa sai ngôn sứ I-sai-a đến an ủi dân Người. Những ngày tới mọi người sẽ ca tụng vẻ đẹp huy hoàng của Giê-ru-sa-lem : “Chẳng ai còn réo tên ngươi ‘Đồ bị chồng bỏ’! Xứ sở ngươi hết b tiếng là ‘Phận bạc duyên đơn” (Is 62,4), (Sunday Readings,cycle C, trang 70).

Bài Tin Mừng (Ga 2,1-11): Cuối lời mở đầu, sách thánh Gio-an viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).

Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô 16 viết: “Chúng ta còn phải chú ý đến câu chuyện Ca-na, để nhìn chiều kích sâu xa về  Ki-tô học – cách Đức Ki-tô tự mặc khải và “vinh quang’ của Người mà chúng ta được gặp nơi đây. Nước được dùng trong nghi thức thanh tẩy biến thành rượu, trở thành dấu chỉ và ân huệ cho niềm vui tiệc cưới. Như thế cho thấy những việc chu toàn Lề Luật chỉ được hoàn tất trong bản thân và hoạt động của Đức Giê-su. Lề Luật không bị phủ nhận, cũng không bị bỏ qua, nhưng vẫn mong chờ được hoàn tất” (Nguyễn Văn Trinh chuyển dịch, Đưc Giê-su Thành Na-da-rét, tập I, trang 339).

Tân Ước vượt qua Cựu Ước. Cựu Ước chỉ là 6 chum nước. Số 6 chưa hoàn tất, hoàn tất phải là số 7. Tân Ước không những là 6 chum đầy rượu, rượu ngon (Ga 2,16). Không những là rượu ngon, mà còn đầy vinh quang : “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na  miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Ngưới (Ga 2,17).

Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô viết: “Sách TM Gioan lại nói đến Đức Ma-ri-a một lần nữa và chỉ một lần nữa thôi, khi ở dưới chân thập giá. Đầu và cuối cuộc đời cứu thế của Đức Giê-su đều có sự hiện diện của Mẹ Người, khiến chúng ta thấy Gio-an có hàm ý rằng Đức Ma-ri-a theo dõi  tham gia mật thiết vào công cuộc cứu thế. Và chúng ta nên nhìn khuôn mặt Người ở đây như khi Người sẽ đứng dưới chân thánh giá.

Điều này giúp chúng ta hiểu hơn câu chuyện tiệc cưới.

Vậy Đức Ma-ri-a đã có mặt ở tiệc cưới khi Đức Giê-su đến với các môn đệ. Mẹ của Người ở giữa xã hội loài người để đón tiếp Chúa viếng thăm. “Họ hết rượu rồi”, đó là lời Đức Ma-ri-a nói với Con Người khi Người vừa đến. Ai xui Đức Maria nói như vậy ? Làm sao Mẹ biết điều đó ? Hành động này nói lên sự hiểu biết thông cảm và tình thương cứu độ của Đức Ma-ri-a. Người là Đấng cầu bầu cho loài người khốn khổ…Người luôn nói với chúng ta như nói với những người giúp tiệc hôm ấy ‘Ngài có bảo gì thì cứ làm theo’. Gioan lấy lại lời Pha-ra-ô nói với dân Ai Cập trong nạn đói khổ ‘Giuse bảo gì thì cứ làm theo’ (St 41,55). Đặt những lời này trên môi miệng Đức Ma-ri-a, Gioan muốn Mẹ Ma-ri-a đóng vai trò giới thiệu Chúa Cứu Thế (Giải Nghĩa Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm C, trang179-180).

Bài đọc 2 (1Cr 12,4-11) : Cha Kevin O’Sullivan viết về bđ2 : “Co-rin-tô là một thành phố thuộc Rô-ma. Giầu có về vật chất, nhưng tinh thần thì sa đọa. Thánh Phao-lô đến rao giảng năm 50, ở đó 2 năm. Người Do Thái trở lại thì ít, người ngoại thì nhiều. Người đi Ê-phê-sô vào năm 52 sCN. Tại đây người viết thư này. Nghe người Cô-rin-tô có những lạm dụng, người viết để sửa chữa. Thánh Phao-lô đề cập đến những ân huệ Thiên Chúa ban cho các tân tòng. Vào lúc đó thường có, giúp cho việc loan truyền đức tin, nhưng khi Hội Thánh vững vàng, thì ân sủng bớt đi, như thánh Âu-tinh nói : “Người ta tưới nhiều khi cây mới trồng, khi cây đâm rễ thì ít đi ”. Một trong những lạm dụng là chia rẽ (1,10-13). Thiên Chúa ban cho mỗi người một ân sủng khác nhau, nhưng cùng một Thần Khí để giúp ích nhau, chứ không phải để chia rẽ nhau. Thánh Phao-lô viết : “Chính Thần Khi duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người “ (1Cr 12,11).

Lời Chúa Chúa nhật hôm nay nhắc nhở ơn làm con Chúa. Khi chịu phép rửa Chúa ban cho mỗi người dư đầy. Chúng ta cố gắng sống như Kinh Mân Côi thứ hai Mùa Sáng dạy: “Th hai thì gẫm: Chúa Giê-su làm phép lạ trong tiệc cưới Ca-na. Ta hãy noi gương Đức Mẹ vững tin vào Chúa”.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành