Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm A


CN 6 PS A
14/5/2023
Cv 8,5-8; 1Pr 3,15-18; Ga 14,15-21

CHẦU THÁNH THỂ
Gíao xứ Hòa Lâm

GIÁO HUẤN SỐ 25
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Sống động hơn, nhân bản hơn (tt)

Trong mức độ mà mỗi Ki-tô hữu lớn lên trong sự thánh thiện; người ấy sẽ sinh hoa trái nhiều hơn cho thế giới chúng ta. Các Giám mục Tây Phi đã ghi nhận rằng: “Chúng ta đang được kêu gọi trong tinh thần Phúc Âm hóa để được Phúc Âm hóa và để Phúc Âm hóa xuyên qua việc làm cho vững mạnh tất cả anh chị em, là những người đã lãnh Phép rửa, để anh chị em chu toàn vai trò là muối đất và là ánh sáng cho trần gian ở bất cứ nơi nào anh chị em hiện diện”. Bạn đừng sợ việc hướng nhìn cao hơn, cho phép Thiên Chúa yêu bạn, và giải phóng bạn. Đừng sợ để mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Sự thánh thiện không làm cho bạn ít là người hơn, vì đó là một gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa. Vì như cách nói của Léon Bloy, rốt cục, “bi kịch thảm họa duy nhất trong đời sống đó là không nên thánh” (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 33&34).

SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Ông đội Phổ và bà Ba Tế

Ông đội Phổ, một người con của giáo xứ, cũng rất dũng cảm và rất xả thân …
Có lúc tưởng chừng Trà Kiệu sẽ ‘không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào’. Giáo dân đã nhiều phen khiếp sợ, buông xuôi, tuyệt vọng, vứt bỏ khi giới, cam lòng chịu chết…
Xế trưa ngày 1-9-1885 quân Văn Thân thình lình kéo đến bao vây giáo xứ Trà Kiệu. Họ chiếm giữ bốn mặt cách nghiêm nhặt, không cho giáo dân Trà Kiệu có thể chạy thoát.
Cố Nhơn kêu gọi nam nữ thanh niên, trung niên ai có thể chiến đấu thì tập trung lại và tổ chức hàng ngũ để tự vệ. Phần nam giới khoảng 350 người, được chia thành 7 đội tự vệ. Phần nữ giới có khoảng 600 chị. Cha bàn với bà Ba Tế
Sau đó, cố mời tất cả mọi người cùng quì gối trước bàn thờ Đức Mẹ…
Đúng như dự đoán, ngày 3-9, một ngày khủng khiếp… Phèng la, trống trận, tiếng hò vang dội, ai cũng khiếp sợ… Tuy chiến thắng cả 5 trận , nhưng cuối trận thứ 5 thì tinh thần giáo dân bị suy sụp, chao đảo và tuyệt vọng, họ tự buông khi giới, kéo về nhà thờ, xin cha ban các phép sau hết rồi chờ chết. Họ chấp nhận chờ chết, chứ không đủ sức chống cự…
Ông Phổ, đội trưởng đội 1, quyết chiến, mặc dù 6 đội kia muốn buông khí giới đầu hàng. Ông Phổ luôn miệng : “Phải nghe cha xứ. Phải nghe cha xứ”.
Ông nói thêm : “Thật khốn nạn, nếu như chúng ta đầu hàng, vì Văn Thân không đời nào cho chúng ta ra Đà Nẵng. Ai muốn đàm phán thì đi đàm phán; còn chúng tôi phải chiến đấu cho đến cùng !” (Theo Phạm Cảnh Đán).

xxx

Câu chuyện ông đội Phổ và bà Ba Tề là hình ảnh của sức mạnh đoàn kết và niềm an ủi của Chúa Thánh Thần trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1(Cv 8,5-8.14-17) Bđ1 đọc sách ‘Công Vụ Tông đồ. Cha Vũ Phan Long viết : “Theo Cv 8,5, những người Hy-hóa đi đến với người Sa-ma-ri, và như thế bắt đầu công việc rao giảng về Đức Giê-su cho những người không phải Do Thái. Người Hy-hóa ở vào thế dễ tiếp xúc với người Sa-ma-ri hơn, do chỗ người Sa-ma-ri không nhìn nhận Đền thờ Giê-ru-sa-lem như là nơi thờ phượng duy nhất. Sư thành công trong việc rao giảng đã thu hút thầy phù thủy Si-môn. Công việc làm chứng của Phi- líp-phê ở Sa-ma-ri đã là cơ hội để gửi hai tông đồ Phê-rô và Gio-an đến, để hai ông cầu nguyện cho dân này được nhận Thánh Thần. Si-môn muốn có quyền năng của các Tông đồ, nên đã đưa tìền ra để mua. Phê-rô đã kêu gọi ông hoán cải và ông này đã bày tỏ thiện chí (8,22-24). Trên đường trở về Giê-ru-sa-lem, hai vị Tông đố cũng rao giảng cho người Sa-ma-ri (Tìm Hiểu CVTĐ, trang 44-45).

Bài Tin Mừng(Ga 14,15-21) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM hôm nay như sau : “Xưa ông Mô-sê khuyên dân của Giao Ước Xi-nai trung thành yêu mến Thiên Chúa bằng cách giữ Luật Giao Ước, để được vào Đất Hứa và được sống lâu dài (Đnl 5,32-33;29-8). Nay Chúa Giê-su cũng khuyên các môn đệ : ‘Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy’, để được gì ?
Môn đệ được sự hiện diện mới của Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha sẽ ban một Đấng Bảo Trợ khác :
Thần Khí Sự Thật, Người sẽ luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy không để anh em mồ côi. Thầy sẽ đến cùng anh em – Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em – Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến – Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.
Giao ước mới cho chúng ta chính Thiên Chúa Ba Ngôi, chứ không phải miền đất hay bất cứ loài thụ tạo nào. Chúng ta không chỉ được nhìn Thiên Chúa bên ngoài như ông Mô-sê được nhìn thấy Đất Hứa. Chúng ta được tháp nhập vào trong Thiên Chúa. được chung phần sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta (Tĩnh Tâm với Tin Mừng Gio-am, trang 72-73).

Bài đọc 2 (1Pr 3,15-18) : Cha Hồ Thông viết về bđ2 : “Sau khi khuyên nhủ một cách khái quát, thánh Phê-rô khuyên nhủ sát với thực tế hơn : ‘Hãy trả lời cho bất cứ ai chất vấn anh em về niềm hy vọng của anh em’. Thánh nhân ám chỉ đến việc họ bị điều tra trước thế quyền cũng như giáo quyền và khuyên họ hãy bênh vực niềm tin của họ và hãy biện minh niềm hy vọng của họ đối diện với những kẻ không tin
Đây là lần đầu tiên thánh Phê-rô ban một lời khuyên như vậy. cho thấy những hoàn cảnh khó khăn mà các tín hữu phải trải qua. Sau này vào lúc những cuộc bách hại lớn lao như cuộc bách hại của hoàng đế Đomitien (81-9.6) khắp đế quốc, lời khuyên nhủ như thế sẽ mặc lấy một tính chất bi thảm.
Tiếp đó, trở lại chủ đề xuyên suốt bức thư: Phúc cho những ai bị bách hại vì công chính ! Thánh nhân viết : ‘Bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành còn hơn là vì làm điều ác’. Sau cùng, thánh Phê-rô một lần nữa viện dẫn Đức Giê-su như mẫu gương: Đức Giê-su, Đấng công chính, đã chết cho những kẻ bất lương, nhưng Ngài đã chiến thắng sự chết, đó là nền tảng niềm hy vọng của chúng ta.
Niềm an ủi mà vị thủ lãnh Giáo hội muốn đem đến cho các cộng đoàn Kitô hữu miền Tiểu Á bị cư xử bất công, cốt ở nơi lời giáo huấn này : Đức kiên nhẫn trong những trăm chiều thử thách dẫn họ đến cùng một vận mệnh vinh quang như vận mệnh của Đức Kitô” (Phụng Vụ Lời Chúa năm A, trang 342-343).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng,
trong những ngày vui này
xin cho tất cả chúng con
biết đem lòng sốt sắng mừng Đức Kitô phục sinh
để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con
và làm cho chúng con được đổi mới.
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

 

SUY NIỆM II

KI-TÔ HỮU LÀ CON THIÊN CHÚA, CHỨ KHÔNG MỒ CÔI

(Hội An 14/5/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Người mồ côi là người thiếu vắng cha mẹ, thiếu sự chăm sóc, hướng dẫn và tình yêu của cha mẹ dành cho, khiến họ rơi vào tình trạng cô độc, dễ đánh mất các mối tương quan cần thiết để trưởng thành. Các môn đệ của Chúa Giê-su lo sợ rơi vào tình trạng đó khi nghe Chúa Chúa Giê-su loan báo Ngài sắp rời họ đi vào cuộc thương khó và chịu chết. Và đó cũng là kinh nghiệm của nhiều người trải qua, trong đó có kinh nghiệm của thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II.

  1. Nỗi lo mồ côi

            Đức Gioan Phaolô II là người con thứ hai trong gia đình có hai người con. Mẹ ngài mất mẹ lúc ngài mới 9 tuổi, 3 tuần trước khi ngài được rước lễ lần đầu. Ngài còn may mắn có người cha đạo đức dạy con cái cầu nguyện và giúp con biết liên kết với người mẹ đã mất. Tuy nhiên, sau đó người anh ngài cũng mất và 11 năm sau, cha ngài cũng mất. Nỗi đau lớn ập xuống người trẻ Karol Wojtila, giáo hoàng Gioan Phaolô II sau này, vào một buổi chiều lao động vất vả từ mỏ đá trở về thấy cha mình nằm chết trên giường. Wojtila đã quỳ cầu nguyện suốt đêm cạnh xác cha mình, đồng thời trút nỗi đau thương cho Chúa. Mặc dù có một người bạn đứng bên cạnh, Wojtila chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn như lúc ấy.” Một năm rưỡi sau đó, Wojtila vẫn còn u buồn, lại thêm Đức Quốc xã chiếm quê hương, Wojtila gia tăng lời cầu nguyện và nhiệt thành hơn với việc truyền giáo. Hè năm ấy, Wojtila được nhận vào chủng viện và ngài chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình vào tình Cha của Thiên Chúa và vào lời Chúa hứa: “Thầy sẽ không để các con mồ côi. Thầy sẽ đến với các con” (Ga 14,18).

            Các môn đệ cũng trải qua kinh nghiệm đó. Chúng ta từng có kinh nghiệm mồ côi, cô đơn như thế, nhất là lúc gặp thất bại. Nhiều người trẻ hôm nay rơi vào tình trạng mồ côi hơn chúng ta nghĩ hay nhìn thấy. Họ mồ côi ngay trong gia đình khi cha mẹ của người trẻ vắng mặt thể lý khỏi gia đình hay dù có hiện diện đó, họ không sống như người cha người mẹ, không chuyện trò với con, không cho con cái những lời dạy dỗ chan chứa tình phụ mẫu, những gương sáng và những giá trị như họ lo cơm áo cho con cái. Họ hững hờ việc giáo dục con cái và không biết rằng con cái của họ đang mồ côi giữa gia đình.

            Chúa Giê-su biết tình trạng và nỗi lo lắng cô đơn của các môn đệ hôm qua và hôm nay, nên Chúa đã hứa: “Thầy sẽ không để các con mồ côi. Thầy sẽ đến với các con.”

  1. Ki-tô hữu là con Thiên Chúa

            Môn đệ Chúa không mồ côi. Đức Phanxicô quả quyết, trong Chúa Giê-su, chúng ta là con của Cha trên trời và chúng ta thưa với Thiên Chúa là “Cha.” Đức Phanxicô nói “đó là DNA của chúng ta.” Từ thuở ban đầu, chúng ta được tạo dựng trong mối tình phụ tử Thiên Chúa ban cho chúng ta. Mối tương quan phụ tử đó đã bị tội lỗi con người cắt đứt, nên con người rơi vào tình trạng cô độc của sự chết, nay như lời thánh Phaolô, “nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Ki-tô” (Gl 3,26). Đó là sự thật lớn lao chúng ta được hưởng nhờ ân sủng cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô, theo thánh Phaolô, nhờ đó chúng ta thưa với Chúa Cha “Abba!”, “Cha ơi!”

            Vào thời Rôma cổ, khi một người được thừa nhận làm con, người ấy được thừa hưởng vị thế xã hội, gia tài và mọi phúc lộc khác như một người con được sinh ra trong gia đình. Thánh Phaolô nói chúng ta là nghĩa tử của Thiên Chúa theo nghĩa đó, được thừa hưởng ân phúc của Cha trên trời, được nhận lấy Thánh Thần và được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giê-su. Thiên Chúa ban cho những ai tin vào Ngài được quyền trở nên con Thiên Chúa.  Vì thế, không Ki-tô hữu nào mồ côi trong cuộc đời. Văn sĩ V. Georghiu, tác giả cuốn “Người lữ hành cô đơn” đã viết: “Không có người lữ hành nào là người cô đơn trên con đường vĩnh cửu, vì Chúa cùng đi với họ.”

            Thiên Chúa luôn bảo đảm ở với những ai thuộc về Ngài. Thiên Chúa gọi Abraham lên đường theo Chúa và bảo đảm ở cùng Abraham. Ngài bảo đảm với Gia-cóp, Môsê, Giêrêmia và với Mẹ Maria như thế. Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm đức tin như sau: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nếu không có ơn Chúa, Giáo Hội tiêu tan từ lâu. Hôm nay, Chúa Giê-su đang ở với chúng ta. Ngài là Đấng hằng sống chứ không phải một nhân vật quá khứ, vì thế đức tin vào Chúa Giê-su không phải là một cổ vật trong bảo tàng viện, mà là mối tương quan thân thiết với Chúa Giê-su trong hiện tại, Đấng đang ở với chúng ta trong Thánh Thể, trong lời Ngài và trong cộng đoàn tín hữu này. Rước lấy Chúa, nghe lời Chúa và sống trong cộng đoàn đức tin là ở trong Chúa. “Thiên Chúa rõ ràng không phải là Thiên Chúa của một nơi nào đó, hoặc của một thời điểm thiêng liêng nào đó, nhưng là Thiên Chúa của một con người, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp” (Thộng Điệp Ánh Sáng Đức Tin, 8). Nghĩa là Ki-tô hữu không là kết quả của một chọn lựa đạo đức, mà là cuộc sống với một Đấng, đó là Chúa Giê-su, Đấng đang sống trong Ki-tô hữu.

Vậy, điều gì là niềm hứng khởi của chúng ta ngay từ đầu ngày sống? Điều gì nâng vực chúng ta dậy trong hoàn cảnh mù tối, cô đơn hay thất bại? Điều gì giải thoát chúng ta khỏi nỗi cô đơn, mồ côi, chán chường? Chúa Giê-su quan trọng thế nào trong lòng và trong cuộc đời bạn?

Xin Chúa cho chúng ta luôn nhớ lời Chúa đã nói: “Thầy sẽ không để các con mồ côi. Thầy sẽ đến với các con.” Và Chúa đã thực hiện lời Chúa hứa qua sứ điệp yêu thương của lời Chúa, trong Thánh Thể. Chúa không ở xa chúng con, nhưng ở gần bên chúng con, cho chúng con chạm vào, đón nhận và rước lấy Chúa vào lòng, để con có thể nói: “Chúa sống trong con và con không cô đơn trên đường đời, vì có Chúa ở với con.”

 

SUY NIỆM III

CON MẮT CỦA TRÁI TIM

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Chúa Giêsu hôm nay nói: “Một ít nữa thế gian sẽ không còn thấy Thầy, phần các con, các con thấy Thầy”. Chúng ta cảm thấy dường như có một cái gì mâu thuẫn trong lời tuyên bố của Chúa Giêsu. Cùng một sự hiện diện mà thế gian thì không thấy Chúa còn chúng ta lại thấy Chúa là sao nhỉ? Cùng một Chúa Giêsu, mà có người thì xác tín Người vẫn hiện diện, trong khi kẻ khác lại nói: Người thuộc về dĩ vãng và đã qua rồi không còn hiện hữu nữa. Ngay trong cuộc sống hiện tại, chúng ta cũng có thể bắt gặp những trường hợp tương tự, chẳng hạn một người đã chết, nhưng những người sống vẫn cảm thấy người ấy đang còn ở đâu đây, thật gần gũi. Chẳng hạn, Một bà mẹ có thể nhìn thấy đứa con bà chết mới chôn cất nhưng bà  thấy từng sự vật, căn phòng, lối đi của con như đang sống bên bà. Cho nên với bài hát “sự sống thay đổi mà không mất đi”, nhạc sĩ Linh mục Phanxicô đã xác tín rằng: “Ϲuộc sống nàу kìa hoa nở và hoa úa phai. Ɲắng lên đồi thì đêm tắt thở, mâу tím giăng trời thì nắng tan đi. Ϲuộc sống nàу bao nhiêu lần đưa tiễn ngậm ngùi, nhưng con tin vào ngàу mai trong Ϲhúa, chẳng có chia lìa, chẳng có hợp tan. Đk: Ѕự sống không mất nhưng chỉ đổi thaу, đã qua bao ngàу trọn một kiếp nàу. Ɗù sống haу chết tin còn ngàу mai, sự sống không mất nhưng chỉ đổi thaу”. Vậy thì đâu là nguyên nhân tạo nên cái tình cảm, cái thấy tuy xa mà lại gần chẳng còn hợp tan nưa, mà sống mãi mãi bên nhau như thế?

Tôi xin thưa chính tình yêu thương đã tạo nên cái điều lạ lùng ấy. Giữa những người thân thiết, cái chết nơi thân xác không phải là điều quyết định tạo nên sự chia cách, sự vắng mặt, chết thân xác nhưng linh hồn sống mãi mà hồn thì tinh anh, chỉ có mắt đức tin, con mắt tình yêu mới thấy người thân của mình đang ở bên mình mãi mãi dù thân xác đã xa cách vì thế với bài thơ “Từ ấy”, nhà thơ Tố Hữu viết rằng: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lý chói qua tim. Hồn tôi là một vườn hoa lá. Rất đậm hương và rộn tiếng chim… Tôi buộc lòng tôi với mọi người. Để tình trang trải với trăm nơi. Để hồn tôi với bao hồn khổ. Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời. Tôi đã là con của vạn nhà. Là em của vạn kiếp phôi pha”.

Cho nên, Chúa Giêsu nói “Một ít nữa thế gian sẽ không còn thấy Thầy, phần các con, các con thấy Thầy”. Cái thấy mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây, không còn là cái thấy bằng cặp mắt của thân xác vốn có những giới hạn của nó, mà là cái thấy bằng con tim, bằng yêu thương, bằng hiệp thông. Chính vì thế, mà qua đoạn Tin Mừng ngắn ngủi chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu luôn nhắc đi nhắc lại hai chữ yêu mến, nhờ yêu mến mà mối quan hệ giữa môn đệ và Thầy, cũng như giữa người môn đệ và Thiên Chúa Cha trở nên gần gũi. Và hơn thế nữa, chính tình yêu mến ấy đã đưa tới sự hoà nhập: Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con. Vì thế, thấy bằng cặp mắt của con tim này sẽ giúp mối quan hệ mật thiết giữa chúng ta với sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh với cuộc đời của mỗi người Kitô hữu thật gần gũi, thân thương và trìu mến điều mà con mắt của thân xác không thể nào nhìn thấy cho nên, trong bài hát Chầu Thánh Thể chúng ta thường hát rằng mắt không thể thấy nhưng lòng vững tin.

Lòng yêu mến không thể không dẫn tới hành động, tức đức tin phải có hành động. Người môn đệ yêu mến Thầy cũng có nghĩa là người môn đệ tuân giữ các giới răn, các lệnh truyền của Thầy. Thế nhưng các giới răn và lệnh truyền của Chúa Giêsu đó là trước kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy. Đúng thế, chính Chúa Giêsu và cuộc sống của Người đã trở thành những khuôn mẫu tuyệt vời nhất cho cuộc sống người tín hữu noi theo và bắt chước. Rất nhiều khi chúng ta chỉ thuộc lòng những giới răn và những lệnh mà không bao giờ thực hành chúng con cuộc sống chúng ta. Chúng ta có đức tin nhưng không bao giờ thực hành đạo. Vì thế, việc sống đạo rất khô khan và nghèo nàn. Cho nên, Thánh Giacôbe nói: “Đức tin không hành động là đức tin chết”. Cho nên, là Kitô hữu đích thực, chúng ta phải sống đạo không chỉ bằng lý trí và còn bằng con tim, bằng tình yêu mến. Bởi vì chính tình yêu mến này sẽ giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện thật gần gũi của Chúa Giêsu trong lòng cuộc sống chúng ta và mọi người xung quanh chúng ta.

Mùa Phục sinh là mùa nhắc chúng ta nhìn lại sự sống vĩnh cửu của chúng ta mai này. Lắm khi chúng ta sống sợ sệt, mặc cảm, ích kỷ chỉ vì không dám yêu thương, không dám hy sinh và không dám cho đi. Cho nên chỉ khi bắt đầu ra khỏi chính mình để sống ngị lực can trường là mến Chúa và yêu người là bắt đầu thấy Chúa tỏ mình, thấy sự sống và sức mạnh của Thiên Chúa bùng lên mạnh mẽ nơi chúng ta. Thế giới hôm nay đang cố làm cho cuộc sống được đảm bảo an toàn hơn, tiện nghi hơn và kéo dài hơn, nhưng con người vẫn sống trong lo sợ, nguy hiểm và may rủi rất cao do chiến tranh, khủng bố, tội ác, đói nghèo, bệnh dịch… cuộc sống bị héo úa vì không tìm thấy ý nghĩa. Thế giới đang đói khát sự sống đích thực. Nếu chúng ta thật sự là người đang sống trong Đức Giêsu Kitô phục sinh, chúng ta có thể trao ban cho thế giới sự sống đó qua việc phục vụ, hy sinh và sẻ chia tinh thần cũng như vật chất trong tình yêu Thiên Chúa và mọi người. Alleluia.

 

SUY NIỆM IV

Lm. Đaminh Phạm Văn Tụ, SSS

 

“ Thầy không để anh em mồ côi ”

Sau lần đại dịch Covid-19, người ta ước tính trên thế giới có khoảng 7,5 triệu trẻ em phải sống trong cảnh mồ côi cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Riêng ở Việt Nam theo cục trẻ em ( Bộ lao động – Thương binh và Xã hội ) cho biết: đại dịch Covid-19 đã làm cho 4,461 trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi; trong đó có 193 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhìn vào kết quả khảo sát cho ta thấy một bức tranh thật đau buồn đối với những đứa trẻ mồ côi. Các em phải mất đi một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và cao quý của cha mẹ dành cho mình mà không có một điều gì có thể bù đắp được.

Khi đứng vào tâm trạng của những đứa trẻ mồ côi, chúng ta mới hiểu được thế nào là sự lạc lõng và đau khổ. Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng vậy, đứng trước giờ phút chia ly, Ngài sắp rời bỏ các môn đệ để về cùng Chúa Cha, Ngài cho các môn đệ biết trước giờ của Ngài sắp đến, và giây phút chia tay đã cận kề; tâm hồn các môn đệ phải xao xuyến, não nề, khủng hoảng và bất an. Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an các môn đệ của Ngài: “ Thầy sẽ không để cho anh em  mồ côi: Thầy đến với anh em. ” ( Ga 14, 18) . Quả thật,  Khi biết rằng giờ của mình sẽ đến, giờ phải chịu khổ hình thập giá để bước vào vinh quang Phục sinh vinh hiển và lên trời về với Chúa Cha, Đức Giêsu sẽ biết mình sẽ không còn hiện diện với các môn đệ theo cách thể lý bằng xương bằng thịt như Ngài vẫn hằng ở với các môn đệ nữa, mà Ngài chỉ hiện diện trong niềm tin của các môn đệ. Điều đó cũng có nghĩa là các môn đệ chỉ thấy sự hiện diện của Ngài trong ánh mắt của niềm tin. Mà ánh mắt của niềm tin nơi các môn đệ nhiều lúc cũng phải chịu thử thách như đi trong đêm tối mù mờ. Nên điều gì sẽ xảy ra với các môn đệ ? Nếu Ngài không xin Chúa Cha ban Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần ở với các môn đệ, gìn giữ và bảo vệ các môn đệ; chắc chắn các ngài sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin, u buồn và thất vọng như những  như người con mất cha, người trò mất thầy. Các ngài sẽ không thể một mình chống chọi được với quyền lực của thế gian mà không có Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ đến ở với các ngài luôn mãi. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ của Ngài, để Ngài ở với các môn đệ, nuôi dưỡng và củng cố niềm tin nơi các môn đệ, để các ngài thấy mình không còn phải cô đơn, lạc lõng như những đứa trẻ mồ côi giữa biển đời đầy phong ba bão táp. Chúa Thánh Thần là sức mạnh của các ngài, giúp cho các ngài vượt qua những sóng gió gian nguy của những thời khắc đau khổ và thử thách nhất trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu Phục Sinh.  Chúa Thánh Thần ở nơi tâm hồn các môn đệ, Ngài gìn giữ và khơi dậy lòng tin nơi các môn đệ, giúp các ngài can đảm bước ra khỏi đêm tối của sợ hãi, của thất vọng, của yếu đuối, để  các ngài làm chứng về niềm hy vọng mà các ngài đã nhận được từ chính Chúa Ki-tô khổ nạn và Phục Sinh, như trong thư thứ nhất của thánh Phê-rô Tông Đồ đã viết: “Anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em.” ( 1 Pr 3,15-17 ). Niềm hy vọng nơi các môn đệ chính là đức tin và tôn thờ Chúa Giêsu Ki-tô trong lòng, trong tâm hồn và ở lại trong tình thương của Ngài, để các môn đệ cảm nhận được cách sâu xa hơn tình yêu của Chúa dành cho các ngài, để các ngài cũng biết sống trọn vẹn những giá trị của tình yêu huynh đệ; và đó cũng là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em.“. Khi nhắn nhủ điều này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải sống tình yêu huynh đệ đối với nhau trước khi loan báo Tin Mừng và làm chứng về niềm hy vọng cho con người. Để nhờ sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần và ở trong tình yêu của Chúa Giêsu cũng như ở trong tình yêu của Chúa Cha, các môn đệ không còn phải mồ côi vì lúc nào các ngài cũng được sống trọn vẹn sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong niềm tin của các ngài.

Lạy Chúa, khi rời bỏ các môn đệ để về cùng Thiên Chúa Cha, Ngài biết rõ các môn đệ sẽ phải mang một tâm trạng ưu sầu, sợ mình bị mồ côi. Trong lúc nỗi lo buồn bao trùm lên các môn đệ, thì chính Chúa đã nói với các ngài: “Thầy không để anh em mồ côi: Thầy đến với anh em.” Lời Chúa an ủi các ngài trong cơn tuyệt vọng và cho các ngài biết các ngài sẽ không phải chịu cảnh mồ côi.

Trong cuộc sống của chúng con hôm nay, có rất nhiều những bế tắc của phận người, có rất nhiều những lúc chúng con đi vào ngõ cụt của sự thất vọng ê chề và cảm thấy mình lẻ loi với những bước chân thầm lặng trong đêm tối, mà không một tia sáng nào phía trước đợi chờ. Cũng như các môn đệ, Chúa biết chúng con yếu đuối và mỏng giòn, con đường thế gian chúng con đi, là con đường đầy chông gai và thử thách, con đường đầy cám giỗ và nguy nan. Nếu không có Chúa ở lại và ban Thánh Thần cho chúng con, chắc chắn chúng con sẽ ngã quỵ, phải làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết.  Xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và lòng can đảm, để chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa và những hoa trái của Chúa Thánh Thần ban tặng, giúp cho chúng con mạnh mẽ trước phong ba bão táp, trước đau khổ và thất bại, để thấy Chúa luôn là nguồn hy vọng là chốn bình an cho chúng con. Amen.