Chúa Nhật VIII Thường Niên – Năm C


CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

27-2-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Ái Nghĩa, Giáo họ Đại Hiệp

GIÁO HUẤN SỐ 14

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Những nhà thừa sai can đảm (tt)

Đức Giê-su sai chúng ta đi đâu ? Không có vành đai, không có giới hạn. Người sai chúng ta đi khắp mọi nơi. Tin Mừng dành cho mọi người, không phải chỉ cho một số người. Tin Mừng không chỉ dành cho những người có vẻ gần gũi chúng ta, những người có vẻ dễ dàng đón nhận hơn. Tin Mừng là cho mọi người. Các con đừng sợ ra đi đem Đức Ki-tô đến mọi cảnh vực của cuộc sống, đến những vùng ven của xã hội, thậm chí đến những ai dường như xa xăm nhất và dửng dưng nhất. Chúa tìm kiếm mọi người. Người muốn mọi người cảm nhận hơi ấm lòng thương xót và tình yêu của Người. Người mời gọi chúng ta trở thành những nhà thừa sai không biết sợ hãi ở bất cứ nơi nào chúng ta có mặt và trong bất cứ khung cảnh nào mà mình thuộc về: ở khu xóm của chúng ta, ở trường học hay trong lãnh vực thể thao hay trong đời sống xã hội, trong các công cuộc thiện nguyện hay tại nơi làm việc. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng luôn có cơ hội để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng. Chúa cũng đi ra gặp mọi người theo cách đó. Người có thể làm lan tỏa ánh sáng và hy vọng của Người. Người tin tưởng vào sự can đảm, vào lòng dũng cảm và hăng hái của các con (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 177).

—————

CN 8 TN NĂM C

(Hc 27,4-7; 1Cr 15,54-58; Lc 6,39-45)

Con gà của Thánh Phi-lip Nê-ri

Một bà xồn xồn hay đến xưng tội với cha Philip Nêri, linh mục vui tính. Tội mà bà hay phạm là nói hành nói xấu thiên hạ. Cha ra một việc nhân đức để bà cải thiện cái thói không tốt ấy. Cha nói với bà:

-Ngày mai bà ra chợ mua một con gà. Rồi đưa về đây cho tôi. Nhưng bà nhớ vừa đi vừa vặt lông nhé!

Bà xồn xồn vui vẻ làm theo lời cha đề nghị như một việc “đền tội”. Khi tới cửa nhà xứ, bà hí hửng đưa con gà đã vặt lông trên đường cho cha!” Cha cười bảo bà:

– Ấy chết, công việc tiếp theo là thế này: bà cầm cái bao này, chịu khó trở về con đường bà tới đây và nhặt lại lông gà lúc nãy bà vặt!

–  Sao được cha! Gió bay hết trơn rồi, và biết bao nhiêu lông mà nhặt.

– Cha Phi-lip ôn tồn nói: Đấy nhé, nếu bà nói xấu thiên hạ cũng khó lấy lại như vậy đó. Thực sự nhặt lại mớ lông, còn dễ hơn những lời nói xấu người ta đấy!

Nói xấu, nói hành tai hại biết chừng nào. Lời Chúa trong bđ1 thánh lễ hôm nay cũng cảnh báo chúng ta về lời nói. Còn BTM cảnh báo cả về lời nói lẫn việc làm.

Bài đọc 1 (Hc 27,4-7): Bđ1 đọc sách Huấn Ca. Sách Kinh Thánh “Lời Chúa Cho Mọi Người” dẫn nhập như sau: “Hai thế kỷ trước Đức Ki-tô, ông Giê-su, con ông Xi-ra (Hc 50,27), đã viết sách này. Đó là một tổng hợp những truyền thống và những giáo huấn của các hiền nhân.

Ông là một người giầu có và học thức. Có lẽ ông là chủ của một gia đình quyền quý, có các gia nhân. Ông quen biết nhiều người, đã từng đi nhiều nơi và thành đạt trong công việc làm ăn. Ông thú nhận rằng chính Sách Thánh đã dạy cho ông bí quyết của sự thành công ấy.

Viết cuốn sách này, ông muốn chia sẻ với mọi người những gì ông đã học được trong Sách Thánh và những gì ông đã xác minh được qua kinh nghiệm riêng của mình.

Ông đã viết cuốn sách này ít năm trước cuộc khủng hoảng tôn giáo mà các sách Ma-ca-bê kể lại. Nhiều người cùng thời với ông đã để cho văn hóa Hy Lạp lôi cuốn, và đối với họ đạo Do Thái đã già rồi! Tác giả muốn chứng minh cho họ thấy đức tin có ý nghĩa gì khi phải sống và giải quyết những vấn đề của cuộc sống thực tế. Không một dân tộc nào khác có được sự khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của dân Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa đã gửi Đức Khôn Ngoan đến cư ngụ nơi dân ấy.

Như vậy, sách này cho chúng ta thấy Lề Luật của Thiên Chúa dẫn đưa con người đến một đời sống cá nhân và xã hội vừa nhân bản hơn vừa trung thực hơn như thế nào (trang 1091).

Bđ1 dạy chúng ta về lời nói: “Nghe chuyện trò biết ai rởm ai hay. Nghe lời miệng nói biết ngay lòng người. Chớ vội khen khi người chưa lên tiếng: muốn biết người phải nghe miệng nói năng” (Hc27,5-7).

Bài Tin Mừng (Lc 6, 39-45): Trong bài Tin Mừng, thánh Lu-ca đưa ra 4 hình ảnh: về việc làm :

  1. Mù mà lại dắt mù, cả hai sa xuống hố (39)
  2. Thầy và trò: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ chỉ bằng thầy mà thôi” (40).
  3. Cái xà và cái rác: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thi lại không để ý đến (41).
  4. Cây tốt quả sâu: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu” (43).

Bài đọc 1 nói về lới nói: “Nghe chuyện trò biết ai rởm ai hay. Nghe lời miệng nói biết ngay lòng người. Chớ vội khen khi người chưa lên tiếng : muốn biết người phải nghe miệng nói năng” (Hc27,5-7). Lời nói biểu lộ nhân cách tốt xấu con người.

BTM với 4 hình ảnh nói về việc làm. Sách ‘Tin Mừng Lu-ca’ của Hugues Cousin viết :  “Những câu 43-49 khuyến khích các tín hữu trở nên môn đệ đích thực bằng cách đem ra thực hành toàn bộ bài giảng trên cánh đồng. (Thánh Mát-thêu gọi là Bài Giảng Trên Núi). Họ cũng cung cấp cho một tiêu chuẩn để nhắc nhở rằng phương tiện, tiêu chuẩn của việc nhận biết nằm ở những gì thể hiện ra” (Học viện Đaminh chuyển dịch, trang 158).

Kết 4 hình ảnh về việc làm, tác giả Lu-ca nhắc lại việc tốt việc xấu xuất phát từ cõi lòng: “lòng có đầy miệng mới nói ra” (45).

Qua BTM thánh lễ hôm nay, qua lời nói và việc làm nhận ra người tốt hay xấu, là môn đệ đích thực hay không của Chúa.

Bài đọc 2 (1Cr 15,54-58): Đức cha Nguyễn Sơn Lâm viết về bđ2 như sau: “Theo thánh Phao-lô trong bài thư hôm nay, khi xác hay chết này mặc lấy sự trường sinh thì bấy giờ con người mới thực sự công chính. Và đức ái yêu thương mới trọn vẹn. Đối với chúng ta dĩ nhiên là như vậy rồi. Nhưng các độc giả trực tiếp của thánh Tông đồ, tức là những người Cô-rin-tô thời bấy giờ, chân lý ấy nên được giải thích rõ ràng hơn. Bởi vì họ là những người Hy Lạp. Ít ra họ là các tín hữu mới mẻ đang hít thở bầu khí văn hóa Hy Lạp. Những người này quan niệm xác và hồn nơi con người là hai yếu tố dị biệt, chẳng thể hòa hợp với nhau. Hồn ở trong xác như ở trong tù, chỉ chờ ngày thoát khỏi xác để được trở về sống như những thần linh, bởi vì trước kia linh hồn cũng ở chung với các thần thánh, nhưng đã sa đọa rơi vào xác thịt và bị giam ở đó. Thành ra bao lâu còn sống trong xác thể, linh hồn còn khổ sở và ấm ức. Con người không có sự hòa hợp ngay trong chính mình, nên cũng chẳng có sự hòa hợp được trong xã hội. Linh hồn đợi ngày giải thoát ra khỏi thân xác.

Quan niệm như vậy không hợp với đức tin. Đành rằng xác thịt con người hiện nay là mồi cho sự chết. Nhưng chết không phải là hết. Nhờ sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô, thân xác con người cũng sẽ sống lại. Không phải để rồi lại sống như trước đây, nhưng để trường sinh bất tử như ‘thần thánh’. Và sở dĩ như vậy là vì xác thể con người sẽ mặc lấy sự bất hoại, là đặc tính của Thiên Chúa. Lúc ấy con người sẽ ca khúc khải hoàn chế nhạo sự chết: “Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu, ngươi đã dùng tội lỗi làm nọc sát hại con người”. Nhưng nay Chúa Giê-su đã đem ơn cứu độ đến, tẩy sạch tội lỗi, làm vô hiệu nọc của tử thần, khiến con người có ơn Chúa không còn chết nữa” (Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm C, trang 226-227).

Người tín hữu phải dùng cả lời nói lẫn việc làm để làm chứng cho Chúa. Chúa răn dạy trong lời kết của bài giảng :“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu,

Cũng không có cây nào sâu mà sinh quả tốt

Thật vậy, xem quả thì biết cây.

Ở bụi gai làm sao bẻ được vả,

Trong bụi rậm làm gì hái được nho

Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt ở trong lòng mình

Kẻ xâu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu.

Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra (Lc 6,43-45)

Lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô

“khi chúng ta thấy một lỗi lầm, một khuyết điểm của anh chị em chúng ta, nhiều khi điều đầu tiên chúng ta làm là đi kể với người khác, và nói hành. Những vụ nói hành nói xấu khép kín tâm hồn đối với cộng đoàn, làm hại tình hiệp nhất của Giáo hội. Kẻ nói hành nói xấu nhiều là ma quỉ, luôn luôn đi kể những điều xấu của người khác, vì hắn là kẻ nói dối, tìm cách làm cho Giáo hội bị chia rẽ, làm cho các anh chị em xa lìa, và không còn hợp thành cộng đoàn. Xin anh chị em vui lòng đừng nói hành nói xấu. Đây là một thứ dịch, tệ hơn cả dịch Covid-19” (3-3-2019).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành