Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm B


CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – NĂM B

12-9-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hội Yên, Giáo họ Phước Kiều

GIÁO HUẤN SỐ 42

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Trong tình bạn với Đức Ki-tô (tt)

Tình bạn không phải là một tương quan hời hợt tạm bợ, nhưng là tương quan ổn định, vững chắc, trung thành và nó chín mùi với thời gian. Đó là một mối tương quan tâm cảm nối kết chúng ta lại với nhau, và một tình yêu thương quảng đại thúc đẩy chúng ta tìm kiếm điều tốt lành cho bạn mình. Bạn hữu có thể rất khác nhau, nhưng luôn có những điểm chung kéo họ lại gần nhau trong cởi mở và tin tưởng (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 152)

—————–

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – NĂM B

(Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35)

Những thử thách đầu tiên

Cha Nguyễn Hồng viết: “Những công cuộc truyền giáo mang ơn cứu chuộc bao giờ cũng tiến theo con đường thập giá. Lòng nhiệt thành của các cha đã đem lại nhiều kết quả làm cho ma quỉ, kẻ thù chính của các cha phải lo ngại” (Đắc Lộ, Hành Trình và Truyền Giáo, trang 68).

“Thường thường mỗi năm, vào cuối hè sang thu, có mưa nguồn, nước ở trên các vùng núi đổ xuống ngập đồng quê, đem hoa lợi mầu mỡ đến cho nhà nông có nước làm mùa. Nhưng mùa thu năm đó (1617) trời hạn hán, không có nước gieo mạ làm mùa, nạn đói đe dọa. Các thầy cúng tổ chức hết cuộc cầu đảo này đến cuộc cầu đảo nọ mà trời vẫn không có mưa. Sẵn ghét các cha, họ liền phao đồn trời hạn hán là vì “các thần nổi giận thấy dân chúng bỏ đạo cũ theo đạo mới, chùa chiền miếu mạo hoang vu”, muốn cho các thần nguôi đi chỉ có cách là đuổi các đạo sư tây giang ra khỏi nước.

“Nghe theo tin đồn, dân chúng yêu cầu chúa Nguyễn trục xuất các cha. Một đàng muốn giữ các cha lại để bảo đảm liên lạc thương mại với người Bồ, một đàng cần lấy lòng dân bảo vệ ngôi chùa vừa mới xây lên, đang khi chúa Trịnh ngoài Bắc chỉ tìm cơ hội bất bình bên trong để nhúng tay vào. Sãi vương cho vời các cha đến. Nhà chúa nói cho các cha hay, mình vẫn một lòng kính mến các cha và mong muốn các cha ở lại xứ Nam, nhưng để làm dịu quần chúng đang bị xúi giục, nhà chúa yêu cầu các cha tự ý rời xứ Nam một thời gian, sau đó trở lại.

“Theo ý Sãi vương, các cha gạt nước mắt ra đi, để lại một giáo đoàn mới chớm nở. Thuê được một chiếc thuyền để ra khơi về Áo Môn, nhưng trái gió đành phải trở lại sống lén lút ở một khu rừng hoang bên bãi biển. Không chịu được cảnh bùn lầy nước đọng, cha Buzomi ngã bệnh, màng phổi bị sưng. Giáo dân muốn đưa cha về làng mạc, chỗ khí lành để chữa chạy, nhưng dân chúng đe giết. Quan phủ Qui Nhơn có việc tới phủ chúa, tình cờ gặp sự việc, đưa cha Buzomi về Nước Mặn (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, trang 62-63).

Trong bài đọc 1 Thánh giá đè trên vai “người tôi trung” và trong bài Tin Mừng Chúa Giê-su cùng các môn đệ cũng vác Thánh giá.

Bài đọc 1 (Is 50,5-9a): Sách ngôn sứ I-sai-a có 4 bài ca “người tôi trung”: bài ca thứ 1 trong Is 42,1-9; bài ca thứ 2 trong Is 49,1-7; bài ca thứ 3 trong Is 50,4-11, và bài ca thứ 4 trong Is 52,15.

Bài đọc 2 là bài ca thứ ba. Bài ca thứ ba như sau:

Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,

Giơ má cho người ta giật râu.

Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ…

Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,

vì thế, tôi đã không hổ thẹn,

vì thế, tôi trơ mặt ra như đá (Is 50,6-7).

Sách “Lời Chúa Cho Mọi Người” của hai anh em Bernard và Louis Hurault giải nghĩa về bài ca thứ ba như sau: “Ngôn sứ nói về ai, về mình hay một ai khác? (Cv 8,34). Thật vậy, người tôi trung có thể là thiểu số trung thành như ở 49,1, nhưng cũng có thể là chính ngôn sứ hay biết đâu là vị Ngôn sứ sẽ đến. Tác giả lưỡng lự không biết chọn “người tôi trung” hay “các tôi trung””.

 “Các ngôn sứ trước ông I-sai-a cũng đã gặp phải cùng một thái độ chống đối như thế. Ông Mô-sê đã phải chịu đựng một dân phản loạn; ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã bị bách hại và phải ở tù (Gr 20 và 37); qua các ông, chúng ta thấy dung mạo và sứ mạng của Người Tôi Trung hoàn hảo của Đức Chúa. Người Tôi Trung sẽ là Đức Giê-su, nhưng ngôn sứ nào cũng có thể ứng dụng cho mình những lời này.

 “Người Tôi Trung sẽ có thể truyền đạt lời và khích lệ nhân danh Thiên, Chúa, vì sáng sáng ông lắng nghe Thiên Chúa và được Người mở tai cho. Chúng ta cần được Thiên Chúa dạy cho biết những gì giúp kẻ mệt mỏi phục hồi sức lực. Ngôn sứ là người năng cầu nguyện và mở rộng tâm hồn cho tác động của Thần Khí Thiên Chúa. Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa (1Cr 2,11) (Nhóm CGKPV chuyển ngữ, trang 1259-1260).

Bài Tin Mừng (Mc 8,27-35): Cha Nguyễn Công Đoan viết trong sách “Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô” về bài Tin Mừng như sau:

“Đức Giê-su cũng nói về con đường đau khổ của Đấng Ki-tô. “Người nói rõ không úp mở”. Ông Phê-rô cũng phản đối không úp mở, khiến Người phải quở trách không úp mở: “Xa-tan lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Ta lại thấy câu chuyện người mù ở Bét-sai-đa cũng là hình ảnh của ông Phê-rô: Đức Giê-su đặt tay lần thứ nhất thì anh ta thấy người ta như những cây đi đi lại lại. Ngưới đặt tay lần thứ hai anh ta mới thấy tỏ tường mọi sự. Ông Phê-rô nhận ra Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, nhưng chưa thấy rõ và chưa thể chấp nhận. Người phải trải qua đau khổ và thập giá mới là Đức Ki-tô trọn vẹn. Thánh Phao-lô sẽ diễn tả chân lý ấy khi viết cho dân Cô-rin-tô:

Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người (1Cr 1,22-25).

 “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá (1Cr 2,1-2)…

“Trong sách Giô-suê, Thiên Chúa chỉ đòi dân vứt bỏ các thần ngoại đang ở với anh em, và hướng lòng về Thiên Chúa, còn Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo. Người giải thích ngay ý nghĩa của đòi hỏi ấy: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Mạng sống quí giá hơn tất cả, không có gì đánh đổi được. Nhưng Ngài lại đề nghị đánh đổi: Đức Giê-su và Tin Mừng đáng giá hơn mạng sống. Thập giá là hình ảnh quen thuộc, dễ hiểu đối với người đương thời. Người tử tù đã vác lấy thập giá thì không còn gì thuộc về mình: phẩm giá, danh dự, thân thể, cả tấm áo dính da cũng không còn thuộc về mình. Khi bị đóng đinh vào thập giá rồi thì trần truồng, không còn gì, và cũng không làm gì được nữa, ruồi bu muỗi cắn cũng không đuổi được nữa (trang 134-136).

Bài đọc 2 (Gc 2,14-18): Đây là vài lời của thánh Gia-cô-bê trong bđ2: ”Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành dộng theo đức tin, thi nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng… Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết…Bạn thử cho tôi thấy thế nào là đức tin mà không hành động; còn tôi, tôi sẽ hành động, để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,14.18).

Sách Kinh Thánh “Lời Chúa Cho Mọi Người” của hai anh em Bernard và Louis Hurault viết: “Cần phải có đức tin để được cứu độ, nhưng đi theo Chúa Ki-tô không chỉ là một lý thuyết suông mà phải được chứng tỏ bằng hành động, bằng việc làm. Chính Chúa Ki-tô cũng nói như thế trong Mt 7,21: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu”.

 “Chúng ta hãy xem hai ví dụ thánh Gia-cô-bê lấy trong Cựu Ước và so sánh với Dt 11,31, nhất là với Rm 4 (Gl 3). Tuy cùng rút từ những ví dụ như nhau, mà thánh Gia-cô-bê và thánh Phao-lô có vẻ đưa ra hai giáo huấn đối nghịch nhau. Thánh Phao-lô thì nói: ông Áp-ra-ham kể là người công chính nhờ lòng tin chứ không phải nhờ tuân giữ Lề Luật. Ngược lại, thánh Gia-cô-bê lại nói người ta được cứu là nhờ đem đức tin ra thực hành. Thật ra, khi nói về thực hành thánh Phao-lô nghĩ tới các nghi lễ và cách giữ luật trong Do-thái giáo là những điều không ích gì để được cứu độ, và nói rằng đức tin là nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô giáo. Còn thánh Gia-cô-bê, khi nói về thực hành, thì nghĩ đến các việc làm phát xuất từ lòng mến. Thánh Phao-lô cũng nói như vậy khi ngài viết: ‘Đức tin hành động nhờ đức ái’ (Gl 5,6) (Nhóm CGKPV chuyển ngữ, trang 2114-2115).

Chúa Ki-tô không muốn có những người hâm mộ, nhưng muốn có những người sống theo – Soren Kierregard (Youcat, trang 260).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành