Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Năm B


CN 26.B

30-9-2018

Giáo Huấn số 44

ANH CHỊ EM

Lịch Giáo Phận trang 109

Theo dòng thời gian, tương quan giữa anh chị em sẽ ngày càng sâu đậm hơn, và mối liên kết huynh đệ giữa con cái trong gia đình, nếu được triển nở trong bầu khí giáo dục, mở ra với những người khác, sẽ là trường học lớn dạy sống tự do và hòa bình. Trong gia đình anh chị em học sống chung với nhau cuộc sống làm người {…}. Có lẽ chúng ta không luôn ý thức, nhưng chính gia đình là nơi dẫn dắt tình huynh đệ vào trong thế giới ! Từ kinh nghiệm đầu tiên này về tình huynh đệ, được nuôi dưỡng bởi tình thương và giáo dục gia đình, lối sống nghĩa huynh đệ chiếu tỏa như một lời hứa hẹn trên toàn xã hội (Niềm Vui của Tình Yêu số 94).

 —————————–

CN 26.B

(Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48)

Ngày mai bắt đầu vào tháng Đức Mẹ, tháng Mân Côi, tháng Chuỗi Hoa Hồng. Đầu tháng Hoa Hồng là ngày lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh “Hoa Hồng Nhỏ”. Trước khi chết, thánh  nữ nói với Mẹ Bề Trên, tức là chị ruột của mình : “Chị sẽ thấy, sau khi em chết, em sẽ làm mưa hoa hồng xuống đất”. Vài ngày sau chị còn nói : “Em muốn lên trời để làm mưa ơn lành cho dưới đất”.

Đọc Truyện Các Thánh, ta có cảm tưởng : các thánh nên thánh ngay từ nhỏ, chưa sinh ra đã làm thánh, làm thánh ngay từ trong bụng mẹ. Chẳng cần phải  tập luyện, chẳng cần phải cố gắng. Không, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu từ nhỏ đã có nhiều nết xấu, đã phải tập luyện.

Bà Dê-li Mác-tanh (Zélie Martin), mẹ thánh nữ, đã nói : “Xê-lin (Céline) tính tốt… Còn bé Têrêsa không chắc sẽ nên tốt, vì cô bé hay bốc đồng… Cô thông minh hơn Xê-lin, nhưng cứng đầu cứng cổ. Một khi cô đã nói không, thì  khó mà bảo được cô nói có…Tuy nhiên cô có trái tim vàng, rất đa cảm, không chút e thẹn”.

Cô bé Têrêsa thường đẩy Xêlin té ngã và đánh Xêlin nữa. Cô cư xử thô bạo. Cô cũng tự cao tự đại. Có lần mặc quần áo đi dự tiệc, cô vùng vằng không chịu đi, vì chiếc áo không hở tay. Thánh nữ kể với người chị : “Em nghĩ  em sẽ đẹp hơn, nếu được mặc chiếc áo hở tay

Một hôm chị Léonie (Lê-ô-ni), người con thứ ba, mang cho hai em là Xêlin, người con thứ bảy, và Têrêsa, người con thứ chín và cũng là út, một rổ đầy đồ chơi. Chị Lêôni nói với hai em : “Các em chọn đi !”. Xêlin chọn có một mẩu lụa mầu, còn Têrêsa thì “chọn tất cả”.

Con người thời nào cũng tham lam, ích kỷ, bè phái, tranh chấp, trộm cắp, hại người. Muốn nên thánh phải được tập luyện. Chị Têrêsa thú nhận : “Nếu con đã được nuôi dạy bởi những cha mẹ thiếu đạo đức, hay nếu như chị Xêlin được cố Lu-i quá nuông chiều, thì chúng con đã ra xấu và hư hỏng” (Hương Việt, Truyện Một Tâm Hồn, 71).

Cha mẹ thánh nữ Têrêsa là ông Mártin và bà Zélie. Ông đã xin vào dòng Biển Đức, nhưng vì kém môn Latinh, nên bị loại. Còn bà Zélie xin vào dòng Nữ Tử Bác Ái, nhưng bị từ chối. Ông làm nghề sửa đồng hồ, bà làm nghề đan móc len. Hai ông bà lấy nhau. Lễ hôn phối được cử hành vào sáng ngày 13-7-1858 khi ông được 35 tuổi và bà 27 tuổi.

Khi lấy nhau, ông bà muốn có nhiều con và hứa dâng tất cả cho Chúa. Ông bà sinh được 2 trai, 7 gái.. 4 đứa con chết hồi nhỏ. Vì sinh 4 gái rồi, mà chưa có con trai. Hai ông bà muốn có con trai để làm linh mục. Hai ông bà làm tuần 9 ngày cầu nguyện thánh Giuse. Sinh được cậu trai, ông bà nhớ ơn thánh Giuse, đặt tên cho cậu là Giuse; nhưng được 5 tháng thì cậu chết. Hai ông bà lại làm tuần 9 ngày kính thánh Giuse và sinh được cậu con trai thứ hai cũng đặt tên là Giuse, nhưng được 9 tháng thì chết.

Giữ đúng lời hứa với Chúa, hai ông bà dâng 5 cô gái còn sống cho Chúa : 4 cô vào dòng Kín, trong đó có cô út Têrêsa, và 1 cô vào dòng Thăm Viếng.

Hai ông bà đi dâng lễ mỗi sáng. Ông bà có lòng yêu mến Đức Mẹ đặc biệt. Trong nhà có bàn thờ Đức Mẹ. Vào các tháng Đức Mẹ, ông bà mua hoa tươi về cắm dâng kính Đức Mẹ. Gia đình mỗi tối xum họp trước bàn thờ Đức Mẹ lần chuỗi.

Ngòai ra một tuần ông bà còn ăn chay ba ngày : ngày thứ tư kính thánh Giuse, thứ sáu tưởng nhớ Chúa chịu chết, và thứ bảy kính Đức Mẹ. Tiền ăn chay ông bà cho người nghèo.

Lòng mến Chúa và Đức Mẹ của ông bà đã truyền lại cho con cái. Trước giường nằm của thánh Têrêsa có trưng tượng Đức Mẹ. Một lần đau gần chết, cả nhà đã cầu nguyện xin Đức Mẹ. Tượng Đức Mẹ bên giường đã mỉm cười với thánh nữ và chữa thánh nữ khỏi bệnh.

Mỗi tối chị Pauline, chị thứ hai đến bên giường Têrêsa hỏi : “Hôm nay em có ngoan không ? Chúa có bằng lòng với  em không ?”. Têrêsa đáp : “”.

Khi Têrêsa khát nước, chạy tới xin chị Pauline. Chị Pauline hỏi  : “Têrêsa có dám nhịn uống, để cứu một người tội lỗi không ?. Têrêsa thưa : “Có, em dám chứ !”.

Têrêsa có tính tham lam, ghen tị, muốn hơn người, như Lời  Chúa trong thánh lễ hôm nay.

Bđ1 : Thời trước Chúa Giêsu, người ta cũng tham lam, chia rẽ, muốn hơn người. Bđ1 kể : hai ông Enđát và Mêđát không đến Lều Hội Ngộ lãnh nhận ơn Chúa, thế mà hai ông vẫn được ơn Chúa và nói được tiếng lạ. Nên ông Giôsuê xin ông Môsê ngăn cản. Nhưng ông Môsê trả lời : “Anh ghen giùm tôi à ? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân” (Ds 11,29).

 BTM : Trong tập sách “Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Mác-cô”, cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM hôm nay :

“Người vừa dạy các ông dẹp bỏ “cái tôi cá thể” thì ông Gioan lại chìa ra “cái tôi tập thể” : “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thày mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38). Thế ra theo Thầy không đủ, phải theo chúng con nữa ! Ông muốn thầy trò trở thành một nhóm. Đức Giê-su đưa ra một nguyên tắc cởi mở : “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”(Mc 9,40).

Áp dụng nguyên tắc cởi mở ấy, Thánh Mác-cô gom vào đây những lời giáo huấn về thái độ phải có đối với những người bé mọn.

Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (9,41).

Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (9,42).

Tại sao Người khắt khe như vậy ? Vì Nước Trời đáng giá hơn mọi sự, đáng cho người ta đánh đổi bất cứ cái gì, kể cả một phần thân thể của mình.

Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi, thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt {…}. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi, thà cụt một chân mà vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục {…}. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi, thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (9,43-48).

Có những vị thánh đã thực hành những lời này theo nghĩa đen. Nhưng đó là những mẫu gương đặc biệt Chúa ban để khích lệ chúng ta thôi. Thử tưởng tượng nếu chúng ta theo gương các thánh  kiểu đó thì Hội Thánh sẽ ra sao ? Đức Giê-su nêu lên giá trị tuyệt đối của Nước Trời, đáng đánh đổi tất cả, cả đến mạng sống của chúng ta nữa.

Người cũng cho chúng ta biết chọn giữa Thiên Chúa và Hỏa Ngục chứ không có chỗ thứ ba. Đồng thời Người cũng dùng hình ảnh lửa và muối để nói về con đường vào Thiên Đàng cũng đầy thử thách như phải luyện bằng lửa, có lẽ ám chỉ tới lời ngôn sứ Ma-la-khi :

Ai chịu nổi ngày Người đến ? Ai đứng được khi Người xuất hiện ? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt, Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính” (Ml 3,2).

Muối cũng là một yếu tố quan trọng để của lễ được trọn vẹn :

(Các) Ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm (các) ngươi dâng tiến: (các) ngươi không được để lễ phẩm (các) ngươi  thiếu muối của giao ước của Thiên Chúa (các) ngươi; (các) ngươi phải dâng mình cùng với mọi lễ tiến của (các) ngươi; (các) ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của (các) ngươi” (Lv 2,13).

Muối giao ước của Thiên Chúa” giúp các môn đệ “sống hòa thuận với nhau”.

Lần đầu loan báo Cuộc Thương Khó thì Đức Giê-su nói điều kiện “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Lần này thì Người giải thích thế nào là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình, trở nên số không, trở nên người rốt hết, người phục vụ mọi người. Đi theo Đức Giê-su là vào trong Giao Ước Mới, nên phải sống hòa thuận với nhau, đừng tranh dành địa vị, đừng gây phe cánh, nhưng mỗi người hãy trở nên người rốt hết và phục vụ mọi người.

Đó là bài học cuối cùng và long trọng nhất dưới mái nhà ở Ga-li-lê (trang 152-154).

Bđ2 : Bđ2 thánh Giacôbê cũng kết án những người sống tham lam và xa hoa : “Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi… Trên cõi đất này, các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thỏa mãn” (Gc 5,4.5).

Lạy thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Các Thánh, và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin giúp gia đình chúng con nên thánh.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành