Khởi công xây dựng cây cầu thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng, tỉnh Quảng Nam


Thôn Phước Lâm thuộc xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng về phía Tây chừng 60km, nằm bên bờ hữu ngạn sông Vu Gia, trong địa bàn giáo xứ Hoằng Phước, giáo phận Đà Nẵng. Đây là làng quê miền núi có chừng 400 hộ với 1400 nhân khẩu. Thu nhập chính trong thôn nhờ ở cánh đồng phù sa màu mỡ rộng chừng 70ha, tới mùa thu hoạch bạt ngàn dưa, đậu, mè, bắp xanh tốt. Để tới cánh đồng này, phải đi qua một con khe suối nhỏ chừng 20m.

Vào khoảng năm 1962, cha cố Nguyễn Hữu Ngợi, Cha Sở xứ Hoằng Phước cùng với dân làng bấy giờ đã làm cây cầu bằng cây gỗ tốt, lót ván phẳng (quen gọi là cầu Bà Thiên), để bà con nông dân đi lại và vận chuyển nông sản an toàn. Ngoài ra, các em học sinh có thể qua cầu này đến trường mà không phải đi vòng ra quốc lộ 14B. Qua thời gian dài do thiên tai, chiến tranh bom đạn, cây cầu gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn 2 trụ gỗ như di tích sót lại. Hằng năm người dân đóng góp tre, gỗ, công sức để tu sửa cây cầu cũ kỹ này: họ lấy tre gác gối hai đầu cầu và đan mành tre lót sàn để tạm thời đi lại, vận chuyển hoa màu và học sinh đi học. Hễ tới mùa mưa lũ, cầu tre lại trôi mất và người dân lại phải làm lại, cứ thế suốt gần 40 năm qua. Đã có tai nạn xảy ra với người dân và gia súc khi đi qua cây cầu tre này.

Dự án xây cầu mới theo hướng phát triển cộng đồng do Caritas Đà Nẵng điều phối. Caritas Việt Nam giúp vận động hỗ trợ hơn 50% kinh phí xây dựng, phần còn lại là đối ứng (đóng góp vật tư, tiền mặt, công sức) từ người dân trong thôn Phước Lâm. Ban Quản lý công trình do Cha Antôn Nguyễn Tri Pháp, quản xứ Hoằng Phước làm trưởng ban; Anh Mai Tiến Dũng- kỹ sư xây dựng- thư ký Caritas Hội An làm phó ban; Anh Nguyễn Văn Thành, trưởng Caritas Hoằng Phước và các anh trong BTV-HĐMV giáo xứ Hoằng Phước làm thành viên, đảm nhận các công việc được phân công. Ngoài ra, trong ban Quản lý công trình còn có đại diện UBND, UB.MTTQVN xã Đại Hồng, đại diện ban Dân chính thôn Phước Lâm. Tham gia góp công còn có nhóm sinh viên tình nguyện công tác hè, đến từ Tây Ban Nha.

Cầu Bà Thiên theo thiết kế mới là cầu kiên cố, bản bê tông cốt thép dài 22m chưa kể đường dẫn 2 đầu, rộng 2,8m, trọng tải 5 tấn. Kinh phí dự toán khoảng 300 triệu đồng, thời gian thi công 30 ngày.

Ngày 16/7/2016, xe múc đất được điều đến công trình để đắp kè chặn dòng và mương dẫn nước, công trình chính thức khởi động. Tối 17//7/2016, nhóm sinh viên tình nguyện cùng với Sr Nguyễn Thị Xuân Dung, anh Hoàng Thượng Vương và 1 tình nguyện viên thuộc Văn phòng Caritas Việt Nam đã có mặt nhà xứ Hoằng Phước. Nhóm sinh viên có một linh mục người Tây Ban Nha cùng đi theo để đồng hành thiêng liêng. Sáng hôm sau các bạn trẻ bắt đầu ngày lao động đầu tiên, nhóm làm việc 10 ngày, mỗi ngày 7 tiếng, có giờ để dự thánh lễ, chia sẻ thảo luận trong nhóm.

Sáng 20/07/2016, Cha Marcello Đoàn Minh, giám đốc Caritas Đà Nẵng cùng anh em thuộc Văn phòng, ban Truyền Thông, Caritas Phước Tường, An Hòa đã đến thăm công trình. Lúc này 2 bờ kè chặn dòng đã hoàn thành, bà con đang chuẩn bị tháo dỡ cầu tạm để thi công móng trụ.

Dự kiến công trình sẽ kết thúc trước mùa mưa lũ sắp đến. Khi đó, Phước Lâm không còn nữa hình ảnh quê hương với “cầu tre nhỏ, mẹ về nón lá nghiêng che”, thay vào đó là một cây cầu bê tông cốt thép kiên cố. So với bao nhiêu cây cầu nông thôn khác, cây cầu mới tuy ngắn và hẹp, nhưng nó mang vẻ đẹp của tình người, của sự liên đới cộng tác giữa đạo với đời, giữa kẻ xa với người gần, để đem đến cho nhau những gì thiết thực trong đời sống.

Mong sao có thêm những nhịp cầu yêu thương xinh đẹp như thế trong các bản làng thôn xóm Việt Nam thân yêu chúng ta!

Văn phòng Caritas Đà Nẵng