Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C


CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG NĂM C

28-11-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Trung Tâm Mục Vụ

GIÁO HUẤN SỐ 1

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Các nẻo đường huynh đệ

 Sự trưởng thành tâm linh của các con được diễn tả trước hết qua sự trưởng thành trong  tình yêu xót thương, quảng đại và huynh đệ. Thánh Phao-lô cầu nguyện: ’Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người càng ngày càng thêm đậm đà thắm thiết’ (1Tx 3,12). Kỳ diệu biết bao cái kinh nghiệm ‘xuất thần ngây ngất’ khi đi ra khỏi chính mình và tìm kiếm điều thiện hảo cho người khác, ngay cả dù phải hiến mạng sống mình (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống số 163).

——————

CN 1 MÙA VỌNG NĂM C

(Gr 33, 14-16; 1Tx 3,12-14,2; Lc 21,25-28.34-36)

Bốn  Vị Tử Đạo xứ Quảng

Cha Vũ Thành kể trong tập sách “Dòng Máu Anh Hùng, tập I, trang 47-54”:   “Có nhiều nguyên nhân đưa đến cuộc bách hại đẫm máu này. Trước hết vào cuối năm 1661, Trịnh Tạc lên ngôi cầm quân chinh phạt miền Nam đã đại thắng chiếm lại đất đai, vì hai tướng nhà Nguyễn ghen nhau mà thua. Sang năm 1662, trong nước lại bị bão lớn phá hại mùa màng và nhà cửa. Người dân gặp cơn túng quẫn đổ tội cho người Công giáo bỏ bê việc cúng tế làm các thần giận để cho thiên tai giáng họa. Hiền Vương lợi dụng ngay cơ hội để khỏa lấp thất bại chiến trường và để trấn an lòng dân, đã ra lệnh bắt đạo triệt để. Bốn năm đội quân đi lùng các cơ sở Công giáo… Ngày 2-4-1663 đang khi giáo dân mừng lễ Phục Sinh thì lệnh bắt đạo đến Quảng Nam. Ba quan lớn thi hành lệnh, triệt hạ nhà thờ của bà Maria quan trấn Phú Yên cũ (Ngọc Liên), bắt bà cùng với nhiều giáo dân.

  1. Ông Gioan Vương: bị quan hỏi đã làm những gì? Ông trả lời: Tôi là Ki-tô hữu và dạy đạo cho các trẻ em. Ông 75 tuổi, người làng Két Lam (rất tiếc không biết bây giờ ở đâu). Cha ông là quan lớn thứ nhì trong tỉnh. Từ 15 tuổi, ông đã học triết lý thánh hiền và rất thông minh. Năm 25 tuổi, ông có địa vị trong tỉnh và là một thi sĩ nổi tiếng. Năm 34 tuổi ông được đọc một cuốn giáo lý và nhiều sách khác. Ông xin đi theo các cha làm người dạy giáo lý. Ông viết truyện các thánh bằng thơ. Có lần ông hát những vần thơ cho Hiền Vương. Ông sung sướng được tử đạo. Một bà đã trao cho ông một áo lụa để mặc lúc chết. Bà đã hôn chân ông và làm chứng rằng từ người ông đã phát ra hương thơm kỳ diệu.
  2. Ông Tôma Nhuệ : người làng Phi Rang Trung, 41 tuổi. Vợ rất đạo đức là bà Phanxica. Ông là người giầu có và sớm nhận biết đạo thật và tin theo. Ông bị bắt đi lính. Sau bị ốm và được trở về nhà. Ông bỏ tiền làm một nhà thờ cho Chúa. Vì ảnh hưởng của ông rất lớn, nên khi vừa có lệnh bắt đạo ông bị bắt ngay. Vì phải xa vợ và đứa con mới hai tuổi, ông tỏ vẻ buồn bã. Các bạn khuyên ông, và chính người vợ can đảm đã chuẩn bị tinh thần cho ông chịu tử đạo. Bà còn xin các cha và giáo dân cầu nguyện cho chồng mình được vững vàng xưng đạo. Chúa thấu suốt lòng đạo đức của ông, đã in vào lòng bàn tay ông một dấu Thánh Giá mầu tím bằng nửa ngón tay. Từ đó ông vui vẻ và đầy tin tưởng. Sau khi cha Fuciti nhắn nhủ ông, người vợ hiền một lần nữa nhắc nhở ông kêu Thánh Danh Giê-su và Ma-ri-a, rồi lạy ba lạy từ biệt ông. Lý hình chém đầu và tung lên cho mọi người  thấy. Vợ và gia đình đem xác ông về  nhà khâm liệm, sáng hôm sau thấy đầu ông đã gắn liền vào thân như không hề bị chém.
  3. Ông Alêxi Đậu : là con một lái buôn Nhật. Mẹ là người Công giáo bị voi giầy chết vì đạo. Ông thường tự nhủ mình phải sống sao cho xứng đáng là con của anh hùng tử đạo. Ông bỏ công việc đang làm ở triều đình, về ở chung với các cha, vì ông nghĩ rằng đó là nơi dễ làm thánh. Ông được các cha cho làm từ coi nhà thờ. Mỗi ngày hai lần ông xướng kinh cho giáo dân và ngày lễ ông giảng cho họ… Vừa khi có lệnh bắt đạo, ông bị bắt ngay. Ông mạnh mẽ xưng mình là người có đạo từ bé và khuyến khích người khác xưng đạo. Được lính cho về thăm nhà, ông đi thẳng đến nhà các cha để lãnh nhận các bí tích. Ông nói với các cha là Thiên Chúa đã đổ tràn niềm vui khiến ông mạnh dạn xưng đạo. Các cha khuyên ông: “Vui vẻ sẵn lòng chết vì Chúa, như thế sẽ gieo mầm đức tin cho người ta”. Sau đó, ông xin người nhà đến cám ơn lính canh và thưởng tiền cho lý hình. Trong ngày hành quyết, ông mặc áo lụa mới để vào dự tiệc cưới với Chúa Giê-su.
  4. Ông Gio-an Nghiêm: 72 tuổi, sinh quán tại Phường Tây, Quảng Nam. Ông lá một y sĩ nhiệt thành. Trước khi trở thành người Công giáo, ông rất sùng các thần. Cuộc theo đạo của ông làm nhiều người ngạc nhiên. Ông nói : “Có ai làm những điều dị đoan hơn tôi? Thế mà nhờ ơn Chúa, từ khi tôi nhận phép rửa, tôi hoàn toàn đổi mới”.

Bốn Vị Tử Đạo xứ Quảng chẳng những biểu lộ một đức tin kiên cường, mà còn sống nhiệt tình Mùa Vọng. Sách Giáo Lý Cho Người Trẻ viết : “Năm Phụng vụ hay Năm của Hội Thánh cử hành mừng kính mầu nhiệm đời sống Chúa Ki-tô từ việc nhập thể tới việc trở lại lần thứ hai trong vinh quang, trong thời gian một năm. Năm Phụng vụ bắt đầu từ mùa Vọng , thời gian chờ đợi Chúa Cứu Thế, cao điểm thứ nhất là Lễ Giáng sinh. Sau đó, hướng về cao điểm thứ hai quan trọng hơn là lễ Phục sinh, cử hành việc tử nạn và phục sinh của Chúa (số 186).

Nhất là “Bốn anh hùng Quảng Nam” đã sống Lời Chúa của Chúa nhật Mùa vọng thứ nhất hôm nay.

Bài đọc 1 (Gr 33, 14-16):  Bđ1 đọc sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Ông được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ năm 22 tuổi. Ông là một trong những ngôn sứ lớn. Vào thời ông, vua chúa và dân chúng Giu-đa quan tâm đến chính trị và sự đời hơn là việc đạo. Ông tiên báo sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và dân chúng phải lưu đày sang Ba-bi-lon. Ngôn sứ nhắc nhớ người đồng hương là Thiên Chúa luôn trung thành với lời Chúa hứa, mặc dầu họ bất trung. Những lời trong bđ1 diễn tả lòng tha thứ và thương yêu của Thiên Chúa : “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít” (Gr 33,15). Lời này âm vang ý nghĩa Giê-rê-mi-a, tên của ngôn sứ: “Đức Chúa nâng lên” (CGKPV, Kinh Thánh 2011, trang 1163).

Bài Tin Mừng (Lc 21,25-28.34-36):  Cuốn ‘Lời Chúa cho Mọi Người’ giải nghĩa: ‘Sau khi nói về ngày tận số gần kề của Giê-ru-sa-lem (cc 28-32), thánh Lu-ca đề cập tới ngày mà lịch sử nhân loại chấm dứt với cuộc trở lại của Chúa Ki-tô với tư cách là thẩm phán (cc 34-36). Một lần nữa Chúa kêu gọi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện.

Hầu tránh khỏi sai lầm và mắc lừa trong những thử thách lớn lao sẽ xảy ra trước khi Chúa Ki-tô quang lâm (2Tx 2,9; 1Tx 3,13). Kinh Lạy Cha cũng nói lên mối quan tâm ấy cho những kẻ đợi trông Nước Thiên Chúa đến : ‘Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’.

Thật ra cầu nguyện ngày đêm nhằm cao xa hơn là tránh những bước sa ngã có thể xảy ra : cầu nguyện là một trong các hình thức chúng ta cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Nhiều lần trong lịch sử, đã thấy hiệu năng của cầu nguyện để được giải thoát; cầu  nguyện làm cho giờ quang lâm của Chúa đến sớm hơn (trang 1797).

Bài đọc 2  (1Tx 3,12-14,2) : Đức cha Lâm viết về bđ2 như sau: ‘Thánh Phao-lô xin Chúa cho con chiên của người được thêm lòng mến với nhau và đối với hết mọi người, như họ đã thấy ở nơi người. Người đối với họ làm sao thì họ đã biết và người đối với những người khác làm sao thì họ cũng đã thấy, vì không phải người chỉ nhiệt tình với họ, nhưng đối với mọi người và đối với thế giới. Lòng mến của người khiến người bôn ba và chịu khổ không ngừng để cho mọi người được ơn Chúa cứu độ’ (Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm C, trang 10-11).

Cầu nguyện Tv 24

Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.

Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín

Đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.

Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa

Và cho họ biết giao ước của Người.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành