Chúa Nhật XIV Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – NĂM A

5-7-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Gia Phước

GIÁO HUẤN SỐ 31

MARIA, NGƯỜI PHỤ NỮ TRẺ Ở NADARÉT (tt)

Lịch Giáo Phận trang 90

Khi đứa con bé bỏng của mình cần sự bảo vệ, Maria trẩy đi cùng với Giuse đến một xứ sở xa xôi (x.Mt 2,13-14). Ngài cũng có mặt với các môn đệ khi chờ đợi được tuôn đổ Thánh Thần (x.Cv 1,14). Trong sự hiện diện của Ngài, một Giáo hội trẻ trung được khai sinh, khi các tông đồ lên đường để sinh hạ một thế giới mới (x.Cv 2,4-11). Ngày nay, Đức Maria là Mẹ chăm sóc chúng ta, con cái ngài, trên hành trình cuộc đời vẫn thường gặp mệt mỏi và quẫn bách, lo sao để ánh sáng hy vọng không bị dập tắt. Vì đó là ước vọng của chúng ta: ước mong ánh sáng hy vọng không bao giờ lụi tàn. Đức Maria, Mẹ của chúng ta, coi sóc đoàn dân lữ hành này: một dân non trẻ mà ngài yêu thương, một dân kiếm tìm ngài trong cõi tâm an tĩnh của mình ở giữa muôn náo động, giữa những tiếng nói huyên thiên và chia trí trong cuộc hành trình. Nhưng dưới ánh nhìn của Mẹ, chỉ có sự thinh lặng lấp đầy hy vọng. Vì thế, Đức Maria không ngừng soi sáng tuổi trẻ của chúng ta (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, các số 47&48).

———————————————-

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Dcr 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30)

Cha Alexandre de Rhodes sinh ngày 15-3-1593 tại Avignon là đất của Tòa Thánh từ năm 1348-1791, nên cha có quốc tịch Tòa Thánh.  Ông Hoa Bằng cho rằng tên Việt của nhà ngôn ngữ tài ba này là Trang… Khi người ta lập bi đình bên bờ Hoàn Kiếm ngày 29-5-1941 kỷ niệm Alexandre de Rhodes, tên Việt của cha được phiên âm từ chữ Hán (khắc trên cùng tấm bia này) là Đắc Lộ (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 78).

1624-1627 : cha truyền giáo ở Đàng Trong

1627-1630 : cha truyền giáo ở Đàng Ngoài

1630-1640 : cha dạy học ở Áo Môn (Macao)

1640-1645 : cha truyền giáo ở Đàng Trong qua 4 đợt.

Cha Nguyễn Hồng đã kể về những ngày cuối của cha Đắc Lộ ở Đàng Trong, trong đó có câu chuyện chú bé Inhaxu 15 tuổi. Sau lễ Phục sinh ở Thanh Chiêm (Quảng Nam), cha trở lại Hội An để rồi lên kinh đô thăm viếng giáo dân ở đó, và nhất là để yên ủi bà Maria Minh Đức. Vì một câu nói của chúa thượng, con của bà tức ông Hoàng Khê đã ra lệnh cho gia nhân triệt hạ ngôi nhà nguyện rộng rãi đẹp đẽ của bà cất ở trong dinh. Bà buồn phiền suốt cả một tuần lễ, đi đây đó mà vẫn không khuây khỏa. Vì dè giữ nên cha không dám lên phủ chúa, ngừng lại ở một phố nhỏ gần dinh phủ. Nghe tin cha tới, bà liền xuống gặp cha.

Ba ngày trước lễ Thánh Linh, cha lên đường cùng với 8 thấy giảng đi lên phía Bắc để thăm các họ đạo ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị. Thuyền gặp gió tiến rất nhanh. chẳng may giữa đường gặp ba chiến thuyền của chúa Nguyễn đi tuần, bắt giữ lại…Nghi ngờ là thuyền của ngoài Bắc vào do thám, họ liền giữ lại để khám xét. Nhưng khi biết là Tây giang đạo trưởng và các con đạo, họ xử đãi rất tử tế. Dầu vậy cha và các thầy vẫn bị giữ lại để đợi lệnh ở phủ chúa…

Ông đội Cơ mời cha lên nhà ông ở, dành cho cha một gian làm nhà thờ và giáo dân tự do đến gặp cha. Trong 9 ngày ở đó, cha rửa tội được 70 người. Giáo dân trong vùng nghe tin cha bị bắt giam, lũ lượt kéo nhau đến thăm để lãnh nhận các ơn bí tích. Được tin báo, chúa Nguyễn liền ra lệnh áp giải cha và các thầy về kinh.

Cha Đắc Lộ kể cuộc áp giải: “Chúng tôi xuống thuyền của chúng tôi để xuôi về phủ chúa, họ chỉ để một ngươi lính theo áp giải. Chúng tôi tất cả có 9 người mà ông ta chỉ có một mình. Đấy độc giả xem, họ không sợ chúng tôi tẩu thoát. Người lính đó tốt lắm, dọc đường gặp nhà có đạo, ông để chúng tôi được tự do đến thăm. Từng đoàn từng lũ, họ đứng đợi chúng tôi đi qua, đón rước về nhà để xin lãnh nhận các ơn bí tích. Họ coi chúng tôi như những người được phúc tử đạo rồi”…

 Đến sẩm tối thì thuyền tới bến phủ chúa. Hôm sau lễ Chúa Trời Ba Ngôi, cha được dâng lễ và từ giã giáo dân trước khi vào trại giam. Cha kể : “Trong chốn ngục tù tối tăm hôi hám đó,  tôi và các thầy giảng của tôi đã coi như thấy thiên đàng thực. Người ta đang đóng những chiếc thang (gông cổ) cho chúng tôi. Chúng tôi mong đợi nó như bảo đảm của ơn tử đạo, hy vọng trọng đại hơn hết của chúng tôi” …

Trong số các thầy giảng có một chú bé. “Cách đây ít lâu người ta cho tôi một chú bé 15 tuổi, tôi cho đi theo với các bạn của tôi để học hỏi cách sống xứng đáng người công giáo. Chú bị giam với chúng tôi và khi người ta mang những chiếc thang đến thì chú liền đưa cổ ra để được đeo vào. Quan thấy ách đó nặng quá sức của chú nên thương tình truyền cho người ta đổi cho chú chiếc khác nhẹ hơn. Inhaxu, tên thánh của chú bé vô tội đó, liền xin đừng đổi cái nhẹ hơn, nói rằng chú đủ can đảm và sức vóc để mang ách của Chúa chúng ta. Ách Chúa bao giờ cũng nhẹ, vì Đấng mà người ta mang, sẽ giúp người ta vui lòng mang nó. Người ta để cho chú mang gông như các thầy khác” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Quyển I, trang 185-186).

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay Chúa Giêsu cũng nói: “Ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,30).

Bài đọc 1: Bài đọc 1 đọc sách ngôn sứ Da-ca-ri-a. Cha Kevin O’Sullivan, dòng Phanxicô, viết: “Da-ca-ri-a, Khác-gai và Ma-la-khi là 3 ngôn sứ cuối trong 12 ngôn sứ nhỏ. Nhỏ không phải vì ít quan trọng, mà vì các ngài viết ít so với 4 ngôn sứ lớn. Các ngài từ Babylon, nơi lưu đày, trở về nước vào năm 520 tCông nguyên. Dân chúng thất đảm và thất vọng, khi nhìn thấy Đền thờ và thánh phố Giêrusalem hoang tàn. Làm sao họ xây dựng lại được? Các ngôn sứ khuyến khích họ tái thiết. Các ngài bảo đảm với họ là sẽ đến thời tương lai huy hoàng, thời Thiên sai” (The Sunday Readings A, trang 266).

Chúng ta hãy đọc lại một vài lời ngôn sứ Dacaria trong bài đọc hôm nay : “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỉ ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Kìa vua các ngươi đang đến với các ngươi.  Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn theo mẹ” (Dcr 9,9).

Sách Kinh Thánh của nhóm CGKPV viết : “Những câu 9,9-10 mô tả vị vua hòa bình xuất hiện, khai mạc vương quốc an bình rộng bao la” (trang 2977).

Bài Tin Mừng : Trong tập sách “Tự Đáy Lòng, Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mát-thêu (trang 96-97) , cha Nguyễn Công Đoan viết : “Lời Chúa Giê-su tuyên bố ‘vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường’ gợi nhớ hình ảnh người tôi tớ Thiên Chúa mà I-sai-a loan báo (x.Is 42,1-2) và Mát-thêu sẽ trích dẫn (Mt 12,18-21). Bằng sự hiền lành và khiêm nhường, người Tôi Tớ này sẽ ‘làm sáng tỏ công lý trước muôn dân’ và ‘thiết lập công lý trên địa cầu’ mà không ‘kêu to, không nói lớn, không bẻ gãy cây sậy đã giập, không nỡ tắt tim đèn còn khói’. Chúa Giê-su đem Giao Ước Mới với luật viết trong tim (x.Gr 31,31-34) nên sẽ nhẹ nhàng êm ái.

 Tôi có muốn học với Chúa, muốn mang lấy ách nhẹ nhàng của Chúa không? Hãy giũ bỏ cái ách của loài người, mà chúng ta tự mang vào cổ, tức là tât cả những gì ‘thế gian’ đã dạy chúng ta. Thánh I-nhã Lôi-ô-la dạy chúng ta xin ơn về ba điều : ‘Một là cho tôi cảm nghiệm được sự thấu hiểu bên trong về tội lỗi, cùng gớm ghét nó; hai là cho tôi cảm nghiệm được sự lệch lạc trong hành động của tôi để gớm ghét và nhờ đó sửa mình cùng tự chỉnh đốn lại; ba là xin được thấu hiểu thế gian hầu gớm ghét nó và tránh xa những sự thế gian phù phiếm” (Linh Thao, số 63).

Bài đọc 2 : Trong bài đọc 2, thư thánh Phaolô khuyên công đoàn Rôma : “Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống” (Rm 8,13).

Cha Kevin O’Sullivan viết : “Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma : để là một Kitô hữu thật sư, được sống bình an với Thiên Chúa và đi trên con đường sự sống đời đời, thì phải dứt khoát từ khước những ước muốn tội lỗi của bản tính xác thịt” (Sđd, trang 266).

 Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin giúp chúng con sống “hiền lành và khiêm nhường nên giống như Trái Tim Chúa”.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành