Chúa Nhật XVII TN – Năm C


Chúa Nhật XVII TN – Năm C

28-7-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Tam Tòa

GÍAO HUẤN SỐ 35

Khi cái chết gây đau thương (tt)

Một cách để thông giao với những người thương yêu của chúng ta đã qua đời là cầu nguyện cho họ. Thánh Kinh nói “cầu nguyện cho người chết” là một việc thánh thiện và đạo đức (2Mcb 12,44-45). Lời cầu nguyện cho họ “không những có thể giúp họ, mà còn làm cho lời chuyển cầu của họ cho chúng ta mang lại kết quả”. Sách Khải Huyền trình bày các vị tử đạo, trong khi khẩn cầu cho những người đau khổ vì bất công trên thế gian (x.6,9-11) liên kết vững vàng với thế giới này trên hành trình đi về. Một số vị thánh, trước khi chết, an ủi những người thương yêu hứa rằng các ngài sẽ ở gần họ để giúp họ. Thánh Têrêsa thành Lisieux cảm thấy mình muốn tiếp tục làm việc lành từ trên trời. Thánh Đaminh quả quyết rằng “ngài sẽ giúp ích nhiều hơn sau khi qua đời {…} mạnh mẽ hơn trong việc đoạt lấy ân sủng”. Đó là những mối giây liên kết yêu thương, vì “sự kết hợp  giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong bình an của Chúa kitô không thể bị gián đoạn {…}, nhưng được củng cố nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng (Niềm Vui của Tình Yêu, só 257).

 ———————————————–

Chúa Nhật XVII TN – Năm C

(St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-1la)

Hạnh phúc thay Đà Nẵng chúng ta. Đối với đời, Đà Nẵng là một thành phố “sạch đẹp”; đối với đạo, Đà Nẵng là một mảnh đất “linh thiêng”.

Đó là nơi ngày 18-1-1615 hạt giống Tin Mừng được gieo vãi. Hạt giống không bị tàn lụi dưới lớp đất như các nơi khác, nhưng được mọc lên và phát triển từ Đàng Trong đến Đàng Ngoài, từ Nam ra Bắc. Đà Nẵng có thể được mệnh danh là mảnh “đất mẹ” của Giáo Hội Việt Nam.

Đà Nẵng cũng là nơi ngày 26-7-1644 thấm đậm dòng máu nóng của vị anh hùng tử đạo đầu tiên của đất Việt, chân phước Anrê Phú Yên, thánh bổn mạng của giới trẻ Công giáo, bổn mạng của các giáo lý viên.

Ngày 26-7 này giới trẻ và giáo lý viên giáo phận Đà Nẵng gọi nhau về Phước Kiều để tôn vinh vị thánh trẻ. Giới trẻ và các giáo lý viên các giáo phận khác cũng họp nhau để học hỏi gương sáng của vị Anh Hùng.

Ông João de Rezende de Figuciroa, nhân chứng thứ 1, khai rằng : “Cha Alexandre Rhodes luôn khẳng định rằng thầy Anrê sùng đạo và nhiệt thành phụng sự  Chúa, siêng năng tham dự các bí tích Sám Hối và Thánh Thể, và thầy hằng khao khát cải đạo cho những người đồng bào mình, và thầy luôn tham dự Thánh Lễ, và thầy làm việc phụng vụ bàn thờ với lòng sùng mộ và sùng kính (Mạng Antôn Nguyễn Trương Thăng).

Ông João de Siqueira,  nhân chứng 17, khai rằng : “Khi cha Alexandre Rhodes dâng lễ thì ba hay bốn Kitô hữu thầy giảng hát những bài thánh thi bằng tiếng Việt; sau đó người ta cho nhân chứng biết rằng một người trong số họ là thầy Anrê”(Mạng A.NTT)

Thầy rất yêu kính Đức Mẹ, đến nỗi khi bị bắt và tiến ra pháp trường, thầy đem theo chuỗi Mân Côi, để xin Mẹ nâng đỡ. Nhân chứng số 9, anh Antonio Fernandes, tuy trẻ tuổi nhưng đã hai lần đến Đàng Trong, đã chứng nhận : “Anh còn giữ riêng một cỗ tràng hạt của thầy Anrê mà anh cho là của thầy (có lẽ một phần thôi vì các nhân chứng sau nầy cũng có một vài hạt hoặc một phần) (Mạng A.NTT).

Tinh thần cầu nguyện theo thầy tới pháp trường. Antonio Mendes, nhân chứng thứ 5, khai rằng : “Thầy bị giải đi công khai bởi một toán lính đông, và một viên quan hành án khác áp giải, thầy đi từ nơi đó đến một nơi hoang vắng với cùng cái gông trên cổ, đầu trần và chân trần giống như tất cả những người ở đó, thầy mặc một chiếc áo dài trắng, và khi đến nơi pháp trường, thầy ngồi xuống đất, tay bị trói ra đằng sau và vào lúc người ta muốn hành quyết thầy, và cất cái gông khỏi đôi vai, thì thầy quỳ xuống đất, không muốn quỳ xuống chiếu người ta đã trải sẵn theo như thói thường ở xứ sở này. Và giữa lúc thầy đang ở trong tư thế đó mắt hướng nhìn trời cao, một tên lính cầm giáo đâm hai nhát vào sườn trái, cả hai cùng một chỗ, nó đã làm toạc hoàn toàn cạnh sườn, trong khi đó thầy Anrê tiếp tục kêu tên cực thánh Giêsu và Maria” (Mạng A.NTT).

Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay, Chúa cũng muốn chúng ta cầu nguyện, cầu nguyện luôn, cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Trong bài giảng Thánh Lễ ban sáng thứ năm ngày 16-6-2016, tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng.

Chúa Giêsu luôn luôn dùng lời “Kinh Lạy Cha” trong những khoảnh khắc quan trọng nhất hoặc thách đố nhất trong cuộc đời. Chúa Cha – Đấng “thấu suốt mọi nhu cầu của chúng ta, trước khi chúng ta kêu xin Ngài”. Ngài là một người Cha luôn thấu suốt những điều bí ẩn như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy cầu nguyện nơi kín đáo.

“Chính qua người Cha vĩ đại này mà chúng ta được thừa nhận là những đứa con của Ngài. Và mỗi khi chúng ta thưa lên ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’ thì chính điều này khẳng định căn tính của mỗi chúng ta: căn tính của mỗi Kitô hữu là được trở nên con cái Thiên Chúa. Đây chính là một hồng ân cao cả mà Chúa Thánh Thần đã ban tặng. Không ai có thể thưa lên ‘Lạy Cha’ mà không có ân sủng của Chúa Thánh Thần.

‘Lạy Cha’ là lời mà Chúa Giêsu đã cất lên trong những khoảnh khắc quan trọng nhất: mỗi khi Chúa Giêsu tràn đầy niềm hân hoan và tâm tình tạ ơn, Ngài đều thốt lên: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải những điều này cho những kẻ bé mọn”. Hay những khi Ngài xúc động và ngấn lệ khi chứng kiến cái chết của một người bạn là anh Lazarus: ‘Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha vì đã nhậm lời con’, hay trong giây phút cuối cùng trước khi Ngài trút hơi thở sau hết”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “nếu chúng ta không cảm nghiệm được rằng chúng ta chính là con cái Thiên Chúa, nếu chúng ta không biết thưa lên lời kinh ‘Lạy Cha’ thì lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là những lời lảm nhảm của những kẻ vô đạo”.

Hơn nữa, Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh rằng lời “Kinh Lạy Cha” mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy phải là nền tảng của đời sống cầu nguyện của mỗi chúng ta.

Nếu chúng ta không biết bắt đầu cầu nguyện bằng chính lời kinh này, Đức Thánh Cha cảnh báo, “những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa và chẳng đi đến đâu”.

“‘Lạy Cha’. Khi cất lên lời kinh này, chúng ta cảm nhận được rằng Cha Trên Trời đang nhìn chúng ta, chúng ta cũng sẽ cảm nhận được rằng lời ‘Kinh lạy Cha’ không phải là một sự lãng phí thời gian như những lời cầu nguyện của dân ngoại: đó là một sự kêu cầu đến Cha Trên Trời – Đấng nhìn nhận chúng ta là con cái Ngài. Đây là một chiều kích trong kinh nguyện Kitô giáo – chúng ta có thể dùng lời “Kinh Lạy Cha” để cầu nguyện cùng tất cả các Thánh, các Thiên Thần, chúng ta có thể cất lên lời kinh tuyệt vời này trong các cuộc rước kiệu, các cuộc hành hương … tất cả đều trở nên tuyệt vời, nhưng chúng ta phải luôn luôn ý thức được rằng chúng ta chính là con cái Thiên Chúa và chúng ta có một Cha Trên Trời – Đấng yêu thương chúng ta và Ngài luôn thấu suốt mọi nhu cầu của con cái Ngài. Đây chính là một chiều kích vĩ đại”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng một phần trong lời kinh nguyện này hướng tới sự tha thứ xuất phát từ cùng một niềm xác tín, vì hết thảy chúng ta đều là anh chị em trong cùng một đại gia đình.

Thay vì hành xử như Cain đã ghen ghét người anh trai của mình – Đức Thánh Cha Phanxicô nói – chúng ta phải ghi nhớ một điều rất quan trọng đó chính là sự tha thứ, phải bỏ qua những lời dèm pha, và đó quả thực là một thái độ đúng đắn mỗi khi chúng ta thưa lên ‘xin Cha tha tội cho chúng con’ và không nghĩ tới những thù oán, giận hờn hay sự ham muốn trả thù.

“Mỗi chúng ta cần phải xem xét lại bản thân chính mình về khía cạnh quan trọng này”, Đức Thánh Cha nói. “Đối với tôi, Thiên Chúa có phải là Cha tôi không? Tôi có thực sự nhận thấy Ngài là Cha của tôi không? Và nếu như tôi không cảm nhận được điều này, tôi phải cầu xin Chúa Thánh Thần dạy tôi để tôi có thể cảm nhận được hồng ân cao cả này. Và tôi có biết tha thứ cho anh em mình không, nếu không, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha: “xin cho những anh em này cùng là con một Cha Trên Trời, những anh em này đã làm hại đến con … xin Cha hãy giúp con để con biết tha thứ cho anh em con? ‘. Chúng ta hãy thử, dò xét lại bản thân mình để rồi từ đó, chúng ta sẽ mỗi ngày một trở nên giống như Cha Trên Trời. Những từ ‘Cha’ và ‘chúng con’: giúp chúng ta nhận ra căn tính của mỗi Kitô hữu chính là con cái Thiên Chúa và chúng ta có một gia đình trên hành trình tiến về nhà Cha trên trời” (Minh Tuệ theo Zenit, Mạng Dòng Chúa Cứu Thế).

 Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành