Lễ Chúa Kitô Vua – Năm C


Lễ Chúa Kitô Vua

24-11-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Khánh Thọ

Dòng Thánh Phaolô

GIÁO HUẤN SỐ 52

Tâm tư của lòng thương xót trong mục vụ (tt)

Tuy nhiên, từ ý thức về tầm quan trọng của các hoàn cảnh giảm khinh – về tâm lý, lịch sử và cả sinh học – chúng ta thấy “vẫn không làm giảm đi giá trị của lý tưởng Phúc Âm, cần phải đồng hành với lòng thương xót và kiên nhẫn đối với các giai đoạn tiến triển có thể có của con người như chúng ta đang được vun đắp từng ngày”, nhờ để cho “lòng thương xót của Chúa thúc đẩy chúng ta làm điều tốt nhất có thể”. Tôi hiểu những ai thích một mục vụ nghiêm nhặt hơn vốn không có chỗ nào cho sự hàm hồ. Nhưng tôi thành thực tin rằng Đức Giêsu muốn một Hội thánh hằng quan tâm đến điều tốt lành mà Chúa Thánh Thần gieo vào  giữa sự yếu hèn của con người; một Hội thánh như người mẹ, trong khi bày tỏ cách rõ ràng giáo huấn khách quan của mình; vẫn “không từ chối làm điều tốt lành trong khả năng mình, cho dù có gặp rủi ro bị vấy bẩn bùn lầy trên con đường ấy”. Các mục tử trong khi nêu cho các tín hữu lý tưởng trọn vẹn của Tin Mừng và giáo huấn của Hội thánh, cũng phải giúp họ biết cảm thương những con người yếu đuối và tránh ngược đãi hoặc xét đoán quá khắc nghiệt và thiếu kiên nhẫn. Chính Tin Mừng yêu cầu chúng ta đừng xét đoán  hay lên án (cf.Mt 7,1; Lc 6,37). Đức Giêsu “mong chúng ta ngừng tìm kiếm những nơi ẩn náu cho cá nhân hay cộng đồng, giữ mình tránh xa khỏi vùng tâm điểm của bi kịch nhân loại, để chấp nhận thật sự đi vào tiếp xúc với cuộc sống cụ thể của những người khác và để biết sức mạnh của sự dịu hiền. Khi làm như thế, cuộc sống sẽ luôn là sự phức tạp diệu kỳ cho chúng ta (Niềm Vui của Tình Yêu số 368).

———————————————–

 Lễ Chúa Kitô Vua

(2Sm 5,1-3; Cl 1,12-20; Lc 23,35-43)

Thày giảng Phanxicô Xaviê Nguyễn Cần sinh năm 1803 tại Sơn Miêng, tỉnh Hà Đông. Thày được phúc giúp việc cho Đức cha Retord Liêu, giám mục Hà Nội. Ngày 19-4-1836 thày bị bắt trên đường đến xứ Kẻ Vạc. Theo lệnh Đức cha, thầy đến xứ Kẻ Vạc, để xin cha xứ về giúp Tuần Đại Phúc cho họ Kẻ Chuộng.

Sau những cuộc tra tấn, quan huyện Thanh Oai dụ dỗ thày: “Anh là người khôn ngoan lý sự, tôi rất thương, sao anh không bước qua thập giá ?…

Thày đáp: “Vua cũng là người phải chết, thế mà các quan không dám bước lên ảnh vua, không dám nói một lời thất lễ. Vậy tại sao quan cứ bắt tôi chối bỏ và đạp lên Thánh Giá Chúa tôi? Chính Người là Chúa dựng nên trời đất, là Vua các vua. Chính Người ban cho chúng ta hằng ngày muôn vàn ơn lành. Tôi nhất quyết không bao giờ dám tỏ ra vô ơn với Người” (NĐVC, Hạnh Tích CTTĐVN,468).

Con cái Chúa chẳng những tuyên xưng bằng môi miệng, mà còn tạc vẽ ảnh tượng để tôn kính.

Ai đến Vũng Tầu, nhất là người Công giáo, đều đến chiêm ngắm tượng Vua Giêsu đứng trên núi Tao Phùng. Núi Tao Phùng (núi Nhỏ) cao 176 mét so với mực nước biển. Tượng cao 32m. Phía trong bên vai tượng đủ chỗ cho 5,6 người đứng nhìn ra biển. Tượng được làm từ năm 1972. Đến năm 1975 bị đình chỉ. Năm 1992 được tiếp tục. Tháng 2-1994 thì hoàn thành.

Phần kỹ thuật bê tông do kỹ sư Nguyễn Quảng Đức phụ trách; phần mỹ thuật do điêu khắc gia Văn Nhân cùng với 50 thợ lành nghề thi công. Điêu khắc gia Văn Nhân (hiện đang định cư ở nước ngoài) đã hoàn thành các bức phù điêu dang dở ở chân tượng. Vì tuổi cao, không đủ sức leo 800 bậc đá nên ông ngồi dưới chân núi chỉ đạo các học trò làm việc từng ngày cho đến khi hoàn tất.

Tượng Vua Giêsu ở Vũng Tầu cao 32m, nhưng chưa cao bằng tượng Vua Giêsu ở Brasil cao 38m. Ngày 7-7-2007, UB Văn Hóa Liên Hiệp Quốc tuyên bố 7 kỳ quan mới của thế giới. Tượng Vua Giêsu ở nước Brasil là 1 trong 7 kỳ quan mới này. Tượng do nhà điêu khắc Silva Costa phác thảo. Nhà điêu khắc Paul Landowski người Pháp thực hiện trong vòng 5 năm. Tượng được khánh thành ngày 12-10-1931.

Tượng Vua Giêsu  ở Brasil cũng chưa cao bằng tượng Vua Giêsu ở nước Balan. Tượng ở Balan cao 51m, nặng 30 tấn, tốn phí 1,45 triệu đôla, do lm Sylwester Zawadzki chủ xướng. Tượng bắt đầu khởi công từ năm 2008, và hoàn thành ngày 7-7-2010. Ngày 21-11 khánh thành, ngày làm phép tượng.

Biết bao người làm vua, làm thủ lãnh chỉ làm hại dân hại nước. Khi còn sống có đúc tượng xây lăng, chết đi người ta cũng giật đổ, phá tan. Còn Vua Giêsu trái lại, ai cũng nhớ thương, trọng kính. Người ta đúc tượng, xây đền để tôn thờ.

Lời Chúa trong thánh lễ diễn tả Vua Giê-su của chúng ta :

Bđ1 : Bài đọc 1 nói đến tinh thần hiệp nhất của vua Giê-su qua hình ảnh vua Đa-vít. Dù đã là vua của Giu-đa, miền Nam, đã 6 năm, nay dân Ít-ra-en, miền Bắc, cũng xin tôn Đa-vít làm vua : “Toàn thể các chi tộc Ít-ra-en đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và thưa : Đức Chúa đã phán với ngài: ‘Chính người sẽ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta, chính người sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en… Vua Đa-vít đã lập giao ước với họ” (2Sm 5,1.2.3).

BTM : Bài Tin Mừng, qua ngòi bút của thánh Lu-ca, vua Giê-su nhịn nhục và quảng đại : “Dân chúng đứng nhìn, các thủ lãnh cười nhạo (Lc 23,35). Lính tráng chế diễu… cho uống giấm (23, 36). Bản án viết : ‘Đây là vua người Do thái (23,38). Một trong hai tên gian phi nhục mạ : ‘Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với (23,39). Chúa nói với tên khác : ‘Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên Thiên Đàng’ (23,43)”.

Bđ2 : Bài đọc 2 là đoạn thư thánh Phao-lô viết gửi cho giáo đoàn Cô-lô-sê, ngày nay ở nước Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm CGKPV viết : “Thánh Phao-lô đã viết thư này và nhờ ông Ty-khi-cô màng về ((4,7-9). Người nhắc cho các tín hữu nhớ rằng : Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho anh em qua một mình Đức Giê-su Ki-tô… Sau lời mở đầu và tạ ơn )1,1-14), thánh Phao-lô nói đến quyền tối thượng của Chúa Ki-tô : Chúa Ki-tô vượt trên mọi quyền lực thần thiêng và là thủ lãnh của Hội thánh” (Kinh Thánh ấn bản 2011, trang 2619).

Sách Youcat (Giáo Lý Hội Thánh Cho Người Trẻ) viết : “Chúa Giê-su là Chúa cả vũ trụ và Chúa của lịch sử, vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Tất cả mọi người được Chúa cứu chuộc, và đều được Ngươi dẫn dắt” (số 110_

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành