Lễ Thánh Gia Thất


TRONG TUẦN BÁT NHẬT

LỄ THÁNH GIA

30-12-2018

GIÁO XỨ VÂN ĐÕA & GIÁO HỌ HÀ BÌNH

Chầu Thánh Thể

GIÁO HUẤN SỐ 5

Tình Trạng của Gia Đình (tt)

Có thể có nguy cơ đơn giản hóa vấn đề cách cực đoan, nhưng chúng ta có thể nói là mình hiện đang sống trong một nền văn hóa khuyến khích người trẻ không lập gia đình, bởi vì họ thiểu những triển vọng cho tương lai. Nhưng cũng chính nền văn hóa đó đang cung cấp cho những người khác quá nhiều sự chọn lựa đến nỗi họ cũng ngần ngại tạo lập gia đình. Trong một số nước, nhiều người trẻ thường ở trong hoàn cảnh phải hoãn kết hôn vì vấn đề kinh tế, vì công ăn việc làm, hay vì học hành. Đôi khi cũng vì những lý do khác như ảnh hưởng của những ý thức hệ xem thường hôn nhân và gia đình, hoặc do muốn tránh kinh nghiệm thất bại của những đôi hôn nhân đi trước, hoặc do sợ hãi điều gì đó mà họ coi là quá vĩ đại và thánh thiêng, hoặc vì những cơ hội xã hội và những mối lợi kinh tế đi kèm theo cuộc sống chung thuần túy, hoặc do một quan niệm về tình yêu thuần túy dựa trên cảm xúc và lãng mạn, hoặc do sợ mất  sự tự do và độc lập của mình, hoặc do việc người ta dị ứng với những gì có tính định chế và thủ tục hành chính. Chúng ta cần tìm cho ra những ngôn ngữ, những lý lẽ và những chứng từ thích hợp để có thể giúp ta chạm tới nơi thâm sâu nhất của trái tim những người trẻ, nơi họ là những người vốn có khả năng nhất sống để quảng đại, dấn thân, yêu thương, và thậm chí sống anh hùng, nhằm mời gọi họ đón nhận những thách đố của đời sống hôn nhân với nhiệt tâm và can đảm (Niềm Vui của Tình Yêu số 40).

——————————-

LỄ THÁNH GIA

(Sm 1,20.22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52)

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, số chị em phụ nữ góp phần xương máu làm chứng cho đức tin không phải là ít. Tuy nhiên, tinh thần kiên cường bất khuất vì đức tin của thánh nữ Anê Lê Thị Thanh là một mẫu gương hiếm có. Chính quan tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh, được mệnh danh là “con hùm xám”, cũng đành phải bất lực trong việc thuyết phục thánh nữ chối đạo.

Thánh nữ Anê Lê Thị Thành sinh năm 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ đã theo mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, Phát Diệm. Năm 17 uổi, thánh nữ kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, người cùng xứ.

Hai ông bà sống đạo đức, thuận hòa, sinh được hai trai là Đê và Trân, cùng bốn cô con gái là Thu, Năm, Nhiên và Nụ. Hai ông bà rất quan tâm giáo dục con cái.

Cô gái út, Luxia Nụ, khai với giáo quyền, khi điều tra để phong chân phước cho mẹ : “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục con cái. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi cho bằng được. Người cho chúng tôi gia nhập hội Con Đức Mẹ, vào ban Thiếu Nữ Thưa Kinh ở nhà thờ”.

Cô Anna Năm khai rằng : “Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu tôi thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần người dạy tôi : ‘Tuân theo ý Chúa, con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lại cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận thánh  gía Chúa gửi cho”. Người cũng thường khuyên vợ chồng tôi : “Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ”.

Hai ông bà có lòng bác ái, thương người, nhất là trọng kính và giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Ông bà dành một khu nhà đặc biệt để các linh mục trú ẩn. Chính đức bác ái đó đã đưa thánh nữ đến phúc tử đạo.

Tháng 3-1841, đời vua Thiệu Trị, có bốn linh mục trú ẩn tại làng Phúc Nhạc. Cha Berneux (Béc-nơ) Nhân trú ở nhà ông Phaolô Thức, cha Galy Lý trú ở nhà ông trùm Cơ, cha Thành ở nhà ông bà, và cha Ngân trú ở một nhà khác.

Một người tên Đễ theo giúp cha Thành tham tiền đã tố cáo. Quan tổng đốc chỉ huy 500 lính bao vây làng Phúc Nhạc vào đúng sáng lễ Phục Sinh ngày 14-4-1841. Quan cho lính lục soát từng nhà.

Cha Thành và cha Ngân chạy thoát. Cha Nhân vừa dâng lễ xong, vội chạy trốn trên gác nhà phước Mến Thánh Giá, nhưng vô tình để gấu áo ra ngoài kẽ ván, nên bị bắt. Còn cha Lý được ông trùm Cơ đưa sang nhà thánh nữ. Thánh nữ chỉ cái mương ở ngoài vườn cho cha trốn. Lính trông thấy, cha bị bắt.

Cuộc bao vây lục soát thành công, bắt được cha Galy Lý và thánh nữ, cha Nhân và hai nữ tu Mến Thánh Giá, ông trùm Cơ, bốn hương chức trong làng. Tất cả bị trói, mang gông điệu ra đình làng. Sau đó bị áp giải về tỉnh Nam Định. Thánh nữ bị giam chung với hai nữ tu.

Sau sáu ngày bị đem ra trước tòa án, quan tòa bắt bỏ đạo, thánh nữ nói : “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời.

Quan tòa truyền đánh đòn. Lúc đầu đánh bằng roi, sau dùng củi lớn đánh vào người và bàn chân. Thánh nữ không nản lòng, khi chồng đến thăm, thánh nữ kể : “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đàn ông không chịu nổi, nhưng tôi được Đức Mẹ giúp sức, nên có sức chịu đựng”.

Bị thảm vấn hai lần nữa, thấy thánh nữ vẫn một lòng trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi qua Thánh Giá. Thánh nữ sấp mình xuống đất kêu lớn tiếng : “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa. Con là đàn bà yếu đuối, họ dùng sức mạnh để cưỡng bách con đạp lên Thánh Giá”.

Có lần thánh nữ bị bỏ rắn vào người, qua áo quần, Chúa đã gìn giữ. Thấy y phục mẹ máu me đầm đìa, cô Luxia Nụ thương khóc. Thánh nữ nói : “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa, sao con khóc ?

Thánh nữ còn khuyên : “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước thiên đàng”.

Ngoài những cực hình tra tấn dã man, ăn uống kham khổ, thánh nữ còn chịu thêm nỗi đau bị bệnh kiết lỵ. Được hai nữ tu tận tâm săn sóc, các linh mục gửi thuốc chữa chạy, giải tội và xức dầu, thánh nữ cũng không qua khỏi. Trong giờ hấp hối, thánh nữ cầu nguyện : “Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng tuân theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con”.

Cuối cùng thánh nữ phó dâng hồn xác cho Ba Đấng : “Giêsu, Maria, Giuse, con xin phó dâng linh hồn và thân xác con trong tay Ba Đấng”.

Thánh nữ Anê nhắm mắt lìa trần trong vòng tay hai nữ tu. Thánh nữ về  Nhà Chúa ngày 12-9-1841, sau ba tháng bị giam cầm, thọ 60 tuổi.

Theo tục lệ, lính đốt ngón chân để biết tù nhân còn sống hay không. Họ tầm liệm vào quan tài do Nhà Chung đem tới, rồi an táng tại pháp trường Năm Mẫu, Nam Định. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng đem về Phúc Nhạc.

Cuộc sống của thánh nữ Anê Lê Thị Thành chẳng những biết dậy dỗ con cái, còn làm gương cho cón cái bằng đời  sống đạo đức thánh thiện, nhất là chịu gian khó vì Chúa, như Lời Chúa trong thánh lễ Thánh Gia hôm nay.

Bài đọc 1 : Bài đọc 1 thánh lễ, sách Sa-mu-en kể chuyện bà An-na, mẹ của Sa-mu-en. Chồng bà là En-ca-na. Ông có hai vợ là bà An-na và bà Pơ-nin-na. Bà Pơ-nin-na có con; còn bà An-na thì không. Vì không có con, nên bị bà Pơ-nin-na kinh khi, xỉ nhục. Bà An-na cứ khóc và không chịu ăn. Nhưng ông En-ca-na vẫn thương bà, dành phần hi lễ ngon cho bà, và an nủi bà : “Sao em khóc ? Sao em không chịu ăn ? Sao lòng em rầu rĩ vậy ? Đối với em, anh lại không hơn mười đứa con trai sao ?” (1Sm 1,8).

 Lên Đền Si-lô, bà nức nở cầu nguyện : “Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó” (1Sm 1,9-11).

Sa-mu-en là đứa con cầu tự như I-sa-ác và Sam-sôn, nên được mẹ khấn hiến dâng cho Thiên Chúa để phục vụ Người trong đền thờ. Dấu hiệu của người được hiến dâng cho Chúa là để tóc dài như ông Sam-sôn. Nhưng ở đây không nói rõ Sa-mu-en sẽ là na-dia  hay không ((x.Ds 6,11) như đã nói về Sam-sôn (CGKPV, Sách Lịch Sử, trang 184).

BTM : Bài Tin Mừng đọc trong thánh lễ mỗi sách có một nhan đề khác nhau. Sách Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn là “Chúa Giê-su lên 12 tuổi”. Cha cũng chú giải việc Chúa lên Đền Thờ là “Chúa Giê-su ý thức sứ mạng Cha trao phú cho Ngài và để vuông tròn sứ mạng đó, Ngài đòi phải để Ngài hoàn toàn tự do quyết định. Chỉ có một qui tắc bắt buộc Ngài : thánh ý Chá” (Tân Ươc 1976, trang 129).

Sách của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 có nhan đề “Chúa Giê-su Trong Đền Thờ Lúc 12 Tuổi”. Đức Giáo hoàng viết : “Chúng ta cũng lưu tâm đến ý nghĩa sâu xa của việc hành hương này. Mỗi năm hành hương ba lần lên Đền Thờ, điều này có nghĩa là Ít-ra-en là dân tộc của Thiên Chúa luôn đang lữ hành, một dân tộc luôn trong hành trình tiến về Thiên Chúa, và nhận ra căn tính của mình cùng với sự kết hợp luôn mới mẻ với Thiên Chúa qua việc gặp gỡ Ngài trong Đền Thờ. Gia đình thánh sống trong bói cảnh như thế, sống trong cộng đoàn luôn trong hành trình tiến về Đền Thờ và hướng về Thiên Chúa…

Có thể lý giải một cách thực tế về ‘thời gian ba ngày’ : một ngày cha mẹ Chúa Giê-su hành trình trở về nhà, và một ngày khác hành trình trở lại Đền thờ, và một ngày thứ ba tìm thấy Chúa Giê-su. Nếu như ‘ba ngày’ là thời gian rất thực tế, Réné

Laurentin vẫn có lý khi gắn kết thời gian này với khoảng thời gian giữa Thập Giá và Phục Sinh. Đó là những ngày đau khổ thiếu vắng Chúa Giê-su là những ngày tối tăm, diễn tả qua những lời của Mẹ Ma-ri-a : “Con ơi, sao con lại cư xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (lc 2,48). Như vậy, hiến lễ Vượt Qua đầu tiên  của Chúa Giê-su hướng tới lễ Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giê-su là chính Thánh Giá” (Dịch giả Fx Phạm Đình Phước, Thời Thơ Ấu của Đức Giê-su Na-da-rét, trang 117-119).

Nhóm CGKPV với nhan đề ‘Đức Giê-su ngồi giữa các bậc Thầy Do Thái”, nhóm cắt nghĩa : “Những câu 41-52  không có tương đương trong phần dành cho ông Gio-an Tẩy Giả, và có lẽ được ghi lại để trình bày những lời nói đầu tiên của Đức Giê-su trước phần rao giảng cuả ông Gio-an : ngay từ khi có khả năng nhận thức theo nhân tính, Đức Giê-su đã biết mình là Con Thiên Chúa…

Lời đầu tiên cũng như lời cuối cùng của Đức Giê-su trong Lu-ca (23,46) là để nói đến Cha của Người. Riêng lời này cho thấy, đối với Đức Giê-su, quan hệ của Người với Chúa Cha phải được đặt lên trên mọi quan hệ khác. Thường những lời này được dịch là con có bổn phận  lo việc của Cha con. Nhưng dịch như thế không hợp với cách dùng từ và với hoàn cảnh (lúc ấy Đức Giê-su chưa bắt đầu thi hành sứ mệnh của Người” (Tân Ước 1994, trang 261).

Sách “Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm C” của Giáo Hoàng Piô X Học Viện Đà Lạt thì viết : “Bản văn không nói rõ ràng đây là lần đầu tiên Chúa Giê-su theo cha mẹ Ngài lên Giê-ru-sa-lem. Như Lu-ca đã chép câu đó chỉ có nghĩa là biến cố ấy xảy ra lúc Chúa Giê-su lên 12 tuổi; điều đó không có nghĩa rằng trước kia Chúa Giê-su không bao giờ lên thành thánh. Theo Xh 23,17 và Đnl 1,16, tất cả nam giới ở Palestine, bất phân tuổi tác, phải đi trình diện trước Chúa vào ba lễ trọng trong năm : lễ Bánh không men, nghĩa là lễ Vượt Qua, lễ Cầu Mùa cũng gọi là lễ Gieo Giống, và lễ Gặt cũng gọi là lễ Lều Tạm.

Đàng khác, thiếu niên Do Thái chỉ chính thức tham dự phụng tự hội đường vào lúc 13 tuổi, và không có một liên hệ nào giữa nghi thức này, được người Do Thái thực hiện khắp nơi, với cuộc hành hương do tác giả Phúc Âm kể lại.

Có lẽ phải nghĩ tác giả nhắm nói lên một biểu tượng con số 12 có nghĩa là toàn mãn, hoàn thành. Ghi nhận lúc ấy Chúa Giê-su được 12 tuổi là có ý đưa độc giả  nghĩ đến ngày chấm dứt sứ mệnh trần gian của Ngài, nghĩ đến ngày của Ngài, ngày Ngài phải trở về cùng Cha. Thế mà chúng ta sẽ thấy chính việc loan báo úp mở về ngày Phục Sinh là điều mà trình thuật này có ý nhắm tới đầu tiên” (trang 121-122).

Sách viết tiếp : “Từ khi còn niên thiếu, Chúa Giê-su đã ý thức rằng Ngài sẽ phải trở về cùng Cha trên trời ngang qua một cái chết khủng khiếp đã được Thánh Kinh tiên báo (Is 53, Tv 22,69…) và cũng theo lời Thánh Kinh (Os 6,2; 2V 20,5), người ta chỉ gặp Ngài sống lại sau ngày thứ ba. Đó là tất cả mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh mà Ngài muốn sống một cách biểu tượng để chuẩn bị cho Đức Maria và thánh Giuse, trước khi sống một cách đích thực. Đây là ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay.  Xét cho kỹ chúng ta sẽ khám phá rằng mọi giai thoại về cuộc đời Chúa Giê-su, mới thoạt nhìn xem ra quá tầm thường, nhưng hoàn toàn chỉ nói về mầu nhiệm trung tâm của số phận Ngài và của đức tin Kitô giáo chúng ta : cuộc Tủ Nạn-Sống Lại của Đấng Cứu Thế, mầu nhiệm Phục Sinh (Sđd, trang 139).

Bđ2 : Trong Bài đọc 2, thánh Gioan nhắc nhủ các tín hữu của ngài sống “tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa” (1Ga 3,24), đừng bị lạc giáo lung lạc, thì “bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho” (1Ga 3,22), nhất là “chúng ta được nên giống như Người” (1Ga 3,2).

Cuộc đời không con của bà Anna biết bao xỉ nhục, nhưng rồi nhờ cầu nguyện, Chúa đã thương cho bà một mụn con. Thư của thánh Gioan viết an ủi các tín hữu đang sống trong những lạc giáo. Cả những đau khổ tù đày chết chóc thánh Anê Lê Thị Thành chịu đựng cũng là những hình ảnh tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su.

Xin Chúa giúp gia đình chúng ta chịu đựng những đau khổ, để được hạnh phúc Chúa ban thưởng.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành