Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm B


CN.VI.PS.B

6-5-2018

———————–

Tông Huấn

NIỀM VUI YÊU THƯƠNG

Yêu là phục vụ người khác

Từ ngữ kế tiếp  mà thánh Phao-lô dùng là chresteuetai. Trong toàn bộ Thánh Kinh, từ này chỉ được dùng ở đây mà thôi. Nó có gốc ở từ chrestos, có nghĩa là một người tốt, một người cho thấy lòng tốt qua các việc làm của mình. Ở đây trong quan hệ song song chặt chẽ với động từ đi trước, nó phục vụ như một sự bổ sung. Phao-lô muốn nêu rõ rằng “nhẫn nhục” không phải  là một thái độ hoàn toàn thụ động, nhưng là một thái độ gắn liền với hoạt động, với một tương tác năng động và đầy sáng tạo với người khác. Từ ngữ này cho thấy rằng tình yêu giúp ích cho người khác. Vì vậy, nó được dịch là “nhân hậu”, yêu thì luôn giúp đỡ (số 93).

Xuyên suốt bản văn, rõ ràng thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh rằng tình yêu không phải là một cảm xúc thuần túy. Đúng hơn, nó phải được hiểu theo động từ “yêu” của tiếng Hip-ri, nghĩa là “làm điều tốt”. Như thánh I-nha-xi-ô Loy-o-la nói . Như vậy nó cho thấy hoa quả của nó và cho phép chúng ta cảm nghiệm hạnh phúc của việc trao ban sự cao quí và vĩ đại của việc dâng hiến chính mình một các hào phóng, mà không yêu cầu được đền đáp, nhưng chỉ thuần túy vì niềm vui của việc trao ban và phục vụ (số 94) –

Lê Công Đức chuyển ngữ

CN.VI.PS.B

(Cv 10,25…48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17)

Ba BTM của ba Chúa nhật 4PS, 5PS, 6PS không ngờ là một cách sống, một cách đối xử gắn bó, chặt chẽ và quan trọng: Chúa Giê-su với con chiên, con chiên với Chúa Giê-su và con chiên với nhau.

BTM Chúa nhật 4PS là bài “Chúa chiên nhân lành”, bài nói về cách sống, về cách đối xử của Chúa Giê-su với con chiên : “Tôi là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

BTM Chúa nhật 5PS là dụ ngôn “Cây nho và Cành nho”, bài nói về cách sống, cách đối xử của con chiên với Chúa Giê-su, Chúa chiên : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thấy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em không làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,5-6).

BTM Chúa nhật 6PS hôm nay là “lời ly biệt”, lời dặn dò của Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly. Lời ly biệt này nói về cách sống, cách đối xử giữa con chiên với con chiên : “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Không ai có tình thương cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 14,12-13).

Lối sống, cách cư xử của Chúa Giê-su với con chiên, của con chiên với Chúa Giê-su, và của con chiên với con chiên, khác nào lối sống, cách cư xử trong gia đình : cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ, và con cái với con cái.

Trong tập sách “Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam”, cha Đỗ Quang Chính viết   :

Đọc kinh, xem lễ, xưng tội, rước Mình Thánh Chúa là những thứ họ khao khát, dù về mặt thông hiểu “lẽ đạo” thì còn kém là cái chắc ! Phải công nhận rằng, bổn đạo thời xa xưa đã sống Lời Chúa trọn vẹn trong việc kính Chúa yêu người. Phải nói là các vị ấy đã sống đạo chứ không phải chỉ giữ đạo bằng cớ là nhiều nhà truyền giáo đầu thế kỷ XVII ở Đàng Ngoài đã khen “đứt lưỡi” về lòng thương yêu nhau của anh chị em bổn đạo. Chính trong bản báo cáo dài 98 trang khổ lớn của cha Gaspar d’Amara; viết bằng tiếng Bồ Đào Nha từ kinh đô Thăng Long ngày 31-12-1632 gửi cha André Palmeiro ở Macao (cha đã giảng đạo ở Đàng Ngoài mấy tháng năm 1671, qua đời  tại Macao  ngày 4-4-1635), chẳng những thuật lại những kết quả truyền giáo lớn lao, mà còn ghi nhận rằng “người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau. Tuyệt vời ! (trang 61)

Chẳng những người Công giáo yêu nhau, mà yêu cả người lương. Cha Đỗ Quang Chính kể iếp : “Ngay từ đầu đã có những bổn đạo như ông Phan-xi-cô dù mới theo đạo được hai năm, nhưng can đảm thi hành đức bác ái triệt để “chôn xác kẻ chết”, vác xác đi chôn những người chết không nhà cửa, mà ông lại là người khiêng kiệu cho một quan lớn. Viên quan cho rằng nếu Phan-xi-cô cứ vác xác người chết mà còn khiêng kiệu, thì làm nhơ bẩn cho quan, nên ra lệnh cấm ông chôn xác kẻ chết. Không tuân lệnh, nên Phan-xi-cô bị quan đánh đòn, tống giam trong ngục, sau cùng quan tìm cách chém đầu Phan-xi-cô. Đó là vào thời điểm 1630” (Sđd, trang 73-74).

Cha Joao Cabral, người Bồ, đi truyền giáo từ năm 1624 : đến Nepal, Si Lanka, Goa, Malacca; năm 1647 kinh lý xứ Đàng Ngoài; qua đời 4-7-1660 tại Goa. Ngày 12-10-1647 đã báo cáo về Rôma như sau : “Đàng Ngoài không có giai cấp và không phải kiêng khem một số đồ ăn như tại Ấn Độ; họ không có những thói xấu như nhiều dân khác. Bổn đạo Đàng Ngoài kính trọng các cha khác thường; chẳng ai làm cho họ buồn tủi bằng khi các cha từ chối đồ lỡi (lễ) của họ. Bổn đạo Đàng Ngoài thương yêu nhau như anh em” (Sđd, trang 53).

Câu kết của kinh 10 Điều Răn như sau : “10 Diều Răn tóm về 2 này mà chớ : trước là kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu người như mình ta vậy”.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành