Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm B


CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B

(St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15)

21-2-2021

Chay tịnh

Từ Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta bắt đầu vào Mùa Chay, mùa chay tịnh.

“Chay là kiêng; tịnh là sạch sẽ. Chay tịnh là kiêng khem để giữ mình thanh sạch. Chay tịnh là giữ gìn thân xác và tâm hồn trong sạch bằng cách tuân giữ các giới luật tôn giáo và tiết giảm ăn uống. Chay tịnh là một hình thức sám hối, thực hành việc khổ chế để tưởng nhớ Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô, bằng cách hạn chế ăn uống và thụ hưởng các nhu cầu khác. Chay tịnh cùng với cầu nguyện và bố thí là ba việc đạo đức được khuyến khích” (x. Mt 6,1-18), (HĐGMVN, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, trang 46-47).

Hội Thừa sai Pari

Theo ý các vị sáng lập, thì hội Thừa sai Paris sẽ là ‘Hội dòng Thừa sai Tông tòa’ (Congregation Apostolique) với đời sống khắc khổ: suy gẫm mỗi ngày 3 giờ, ăn chay hành xác mỗi ngày kể cả chúa nhật, khi đau ốm không uống thuốc chữa bệnh, không nằm giường nệm, kiêng rượu suốt năm trừ ba ngày lễ: Giáng sinh, Phục sinh, Hiện xuống, vì là những ngày biến nước mắt đền tội thành nước mắt vui mừng tạ ơn. Tại công đồng Yuthia ở Thái Lan, Đức cha Pallu và sáu thừa sai có mặt được Đức cha Lambert thuyết phục, nên tất cả cùng với người sốt sắng tuyên thệ các lời khấn tông đồ, để đánh dấu việc khai sinh hội dòng ‘Thừa Sai Tông Tòa’, là hội dòng của những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu.

Nhưng việc thành lập hội dòng đã không được Tòa Thánh chấp thuận trong văn thư ngày 6-9-1669, vì lý do quy luật quá nhiệm nhặt không thích hợp với các giám mục và linh mục phải lo việc truyền giáo. Mặt khác, Tòa Thánh muốn các vị đại diện tông tòa hoàn toàn thong dong. Tòa Thánh quyết định tháo giải các lời khấn, để các giáo sĩ của hội mỗi người sống khổ chế theo lòng sốt mến của mình, cũng như sống tự do trong lý tưởng yêu mến Thánh Giá (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang-241).

Trong thánh lễ Chúa nhật Mùa chay hôm nay giúp chúng ta nhận ra hai điều:

1/ Sự tha thứ của Chúa

2/ Gương ăn chay hãm mình của Chúa

Bài đọc 1: Những đoạn đầu sách Sáng Thế trình bày cho chúng ta thấy tội lỗi vô ơn của con người và sự tha thứ của Chúa.

1/ Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ cho con người (St 1,1-25),

2/ Thiên Chúa tạo dựng người nam (St 1,26-28),

3/ Thiên Chúa tạo dựng người nữ (St 2,18-25),

4/ Loài người bị ma quỉ cám dỗ và sa ngã (St 3,1-24)

5/ Anh em giết nhau (St 4,1-16)

6/ Loài người sa đọa (St 6,1-7)

7/ Thiên Chua sửa phạt: lụt hồng thủy (St 7,17-24)

8/ Thiên Chúa tha thứ: cầu vồng: “Thiên Chúa phán: ‘Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau. Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trên mây. Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa” (St 9,12-15).

Bài đọc 2: Bài đọc 2 đọc thư thứ nhất của thánh Phêrô. Nhóm CGKPV giới thiệu: “Tác giả tự xưng là Phê-rô tông đồ của Đức Giê-su Ki-tô (1,1), thuộc ‘hàng kỳ mục’ (5,1) và là’chứng nhân của những đau khổ của Chúa’” (5,1).

 Nhưng một cựu ngư phủ biển hồ Ga-li-lê làm sao viết được một bản văn Hy-lạp xuôi chảy? Vì thế tác giả nói: “Nhờ tay anh Xin-va-nô mà tôi coi là một người anh em trung tín, tôi viết ít lời để khuyên nhủ anh em’ (5,12…

 Trong phần mở đầu, tác giả ‘kính gửi’ các cộng đoàn Ki-tô hữu rải rác khắp năm tỉnh của đế quốc Rô-ma thuộc miền Tiểu Á (1,1), tức là vùng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay

Thời ông Nô-ê Chúa đã dùng “Cầu Vông” làm dấu hiệu của giao ước tha thứ, thì thời Chúa Giê-su, “phép rửa” là dấu hiệu của sự tha thứ. Thánh Phê-rô viết: “Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tầu. Trong con tầu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước. Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô” (1Pr 3,20-21).

Bài Tin Mừng: Bài Tin Mừng hôm nay kể hai biến cố:

1.Chúa Giêsu thắng cơn cám dỗ của Satan (Mc 1,12-13)

2. Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng (Mc 1,14-15)

  • Chúa Giêsu thắng cám dỗ của Satan.

Hai sách Tin Mừng Mátthêu và Máccô kể 3 cám dỗ:

       – miếng ăn

       – thử thách Thiên Chúa, từ nóc đền thờ nhảy xuống đất

       – vinh quang thế gian

Thánh Máccô chỉ vắn tắt ghi lại: “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ” (Mc 1,12).

Cha Nguyễn Công Đoan giải nghĩa: “Lúc khởi đầu” đã xảy ra chuyện Xa-tan cám dỗ A-đam và E-và, xúi ăn trái cấm để nên bằng Thiên Chúa, kết cục con người thấy mình trần truồng và bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, tức là vào hoang địa, nơi khô cằn, gai góc  (x.St 3)

Đức Giê-su người Na-da-rét, là Con Thiên Chúa đã làm người và là Đấng Ki-tô để chiến thắng Xa-tan, giải thoát và tái tạo loài người nhờ quyền năng Thánh Thần. Vì thế ‘Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa’. Trong bản Hy Lạp, Mc dùng cùng một động từ trong St 3,24 dùng để nói về việc Thiên Chúa ‘tống xuất’ (đuổi) A-đam ra khỏi vườn địa đàng. Thần Khí đẩy Đức Giê-su vào nơi A-đam đang ở. Đó cũng là sào huyệt của Xa-tan.

Cái gì xảy ra cho Chúa Giê-su trong hoang địa? Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Xa-tan cám dỗ’. Con số 40 gợi lên nhiều chuyện trong Cựu Ước. Dân Ít-ra-en đi trong hoang địa suốt 40 năm. Ông Mô-sê ở trên núi 40 đêm ngày để Thiên Chúa ban Lề Luật khắc trên bia đá (Xh 34,28). Ông Ê-li-a đi 40 ngày 40 đêm trong hoang địa để đến núi Khô-rép. Mc không nói Chúa Giê-su làm gì trong hoang địa, chỉ nói Người ‘chịu cám dỗ’. Đức Giê-su vào tận sào huyệt của Xa-tan để chiến đấu với nó.

Mc không kể các chước cám dỗ của Xa-tan, cũng không nói Chúa chiến đấu với nó như thế nào. Nhưng Mc đưa ra ba bức tranh để chúng ta chiêm ngắm :

–  bức thứ 1: Đức Giê-su bị Xa-tan cám dỗ;

–  bức thứ 2: Đức Giê-su với các loài dã thú vây quanh;

–  bức thứ 3: các thiên sứ hầu hạ Đức Giê-su.

Dùng thủ pháp vẽ tranh với những nét cực đơn giản, Mc gợi cho chúng ta đối chiếu giữa Đức Giê-su với A-đam. Ta hãy treo ba bức tranh của Mc một bên, rồi đọc St 2-3 và vẽ những bức tranh đối xứng:

– bức thứ 1: A-đam mới được dựng nên, được đặt trong vườn địa đàng, Thiên Chúa làm nên các loài dã thú đem tới cho A-đam, A-đam đặt tên cho mỗi loài, A-đam ở giữa các loài dã thú.

– bức thứ 2: A-đam bị cám dỗ

– bức thứ 3: A-đam bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và thiên thần cầm gươm lửa và canh giữ cửa vườn không cho A-đam quay lại. (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 29-30),

  • Đức Giê-su khởi sự rao giảng (Mc 1,14-15)

Thánh Mác-cô tường thuật: “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Nhóm CGKPV giải nghĩa: “Đức Giê-su khai mạc công việc rao giảng: Đức Giê-su đến miến Ga-li-lê và bắt đầu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Nội dung của lời rao giảng đó là Tin Mừng về Thiên Chúa, nghĩa là Tin Mừng về việc Người can thiệp trong lịch sử nhân loại nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Lời rao giảng của Đức Giê-su được tóm kết trong câu 15. Câu này gồm 3 phần:

  1. Thời kỳ đã mãn: các ngôn sứ chia thời gian làm hai thời kỳ: thời kỳ hiện tại và thời kỳ sẽ đến. Đức Giê-su loan báo thời kỳ hiện tại đã đến hồi kết thúc và một thời mới, thời cuối cùng, thời cánh chung đã tới. Đó là thời Thiên Chúa ấn định để thực hiện và hoàn thành các lời hứa của Người.
  2. Nước Thiên Chúa đã đến gần: Cựu Ước nói đến vương quyền của Thiên Chúa đối với dân riêng của Người (Is 6,1-3; 43,15; cách riêng các Tv 47; 93; 96-99). Nhưng sau thời lưu đày, tình trạng vương quyền trần gian vắng bóng làm cho dân Ít-ra-en hy vọng rằng chính Thiên Chúa sẽ tỏ bày cách rạng rỡ vương quyền của Người tại Xi-on và trải rộng quyền đó trên toàn cõi địa cầu. Ít-ra-en trông đợi thời Thiên Chúa thiết lập vương quyền của Người. Ở đây Đức Giê-su khẳng định: nơi Người, Nước Thiên Chúa đó đã đến gần.
  1. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng: từ Hi Lạp mêtanôêo theo nghĩa gốc là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc. Ở đây, chắc phải hiểu hối cải (mêtanôêo) theo chủ đề căn bản trong Cựu Ước; cách riêng, từ ngôn sứ Giê-rê-mi-a: thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao Ước và dấn bước vào một cuộc sống mới. Đức Giê-su còn kêu gọi dân chúng lấy đức tin mà đón nhận toàn diện thông điệp Người công bố (Bốn Sách Tin Mừng 2004, trang 120)

Ý NGHĨA MÙA CHAY

(Hồ Bác Xái, Sợi Chỉ Đỏ B, trang 103-104)

1 Một thời gian cầu nguyện: Ngày xưa, Môsê đã ở trên núi Sinai 40 ngày, ngôn sứ Êlia cũng ở trên núi Horép 40 ngày. Trong thời gian đó, các ngài đã cầu nguyện và đã gặp được Thiên Chúa. Trong thời gian 40 ngày Mùa Chay, việc đầu tiên chúng ta phải để ý làm là cầu nguyện như các ngài.

2 Một thời gian chiến đấu: Ngày xưa ông Nôê ở trong tầu 40 ngày chiến đấu với phong ba bão táp của cơn hồng thủy; Đức Giêsu sống sa mạc 40 ngày chiến đấu với những cơn cám dỗ của Satan. Noi gương các ngài, chúng ta hãy chiến đấu với những khuynh hướng xấu, những thói quen tội lỗi và những cám dỗ trong Mùa Chay này.

3 Một thời gian sám hối và đón nhận Tin Mừng: Trong bài TM hôm nay, Đức Giêsu mời gọi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’. Sám hối là bỏ con đường sai lạc cũ để quay về con đường chính. Trong Mùa Chay, chúng ta cũng quan tâm hơn đến việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa.

Xin Mẹ Trà Kiệu và Chân phước Anrê giúp chúng con sống Mùa Chay, để được ơn Phục sinh của Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành