Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm C


CN 4 PS C

Cầu cho ơn Thiên Triệu Linh Mục và Tu Sĩ

8-5-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Cẩm Lệ

GIÁO HUẤN SỐ 24

NHỮNG NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

Các giấc mơ và các thị kiến

 

Lời ngôn sứ Giô-en có chứa đựng một diễn tả điều này tuyệt vời: “Ta sẽ đổ thần Khí của Ta trên mọi xác phàm, con trai con gái các ngươi sẽ nói tiên tri, thanh niên của các ngươi sẽ thấy thị kiến, và người già sẽ mơ những giấc mơ” (Ge 3,1; Cv 2,17). Khi cả người trẻ lẫn người già đều mở ra đón nhận Thánh Thần, thì đó là một sự kết hợp tuyệt diệu. Người già mơ những giấc mơ, người trẻ thấy những thị kiến. Hai nhóm bổ sung cho nhau thế nào? Người cao tuổi có những giấc mơ được dệt từ những ký ức và hình ảnh mang những dấu ấn kinh nghiệm lâu năm của họ. Nếu người trẻ tìm kiếm gốc rễ nơi những giấc mơ ấy, họ có thể sánh vai đi vào tương lai; họ có thể có những thị kiến mở rộng các chân trời của mình, và chỉ cho mình những nẻo đường mới. Nhưng nếu người già không mơ, người trẻ sẽ mất khả năng nhìn chân trời (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 192 & 193).

———————-

CN 4 PS C

Cv 13, 14.43-52; Kh 7,9-14b; Ga 10,27-30

Cha Louis Đoan

Đất Đà Nẵng Quảng Nam của chúng ta thật là đất linh thiêng, đất được chúc phúc. Chúa ban cho mảnh đất thân yêu chúng ta, ít ra là 4 mối phúc sau đây :

  • Ngày 18-1-1615 các cha dòng Tên đến gieo vải hạt lúa Tin Mừng
  • Ngày 26-7-1644 máu thày Anrê-Phú Yên đổ trên đất Phước Kiều
  • Cuối tháng 12-1675 thày Louis Đoan, người Phước Kiều, được chịu chức linh mục.
  • Tháng 9-1885 Đức Mẹ hiện ra che chở Trà Kiệu

Cha Đoan là linh mục thứ tư của giáo phận đàng Trong. “Ngày lễ Sinh Nhật  Đức Mẹ (8-9), cha đã làm lễ mở tay ở Phước Kiều trong nhà của người em út, được trang hoàng lộng lẫy, có khoảng 500 giáo hữu tham dự

Cha là tác giả cuốn sách “Sấm Truyền ca”.

Ông Cao Thế Dung viết về cuốn sách “Sấm Truyền Ca” của cha như sau : “Có thể nói thế kỷ XVIII văn thơ Nôm Công giáo nổi bật nhất với thi phẩm Sấm Truyền Ca của Linh mục Louis Đoan. Sấm Truyền Ca là đỉnh cao của văn thơ Nôm, văn chương trác tuyệt, một tác phẩm lớn về giá trị văn chương. Cha Louis  diễn đạt 5 sách đầu của Kinh Thánh : Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật,.. thành thể thơ lục bát, gồm 3596 câu, vào năm 1670” (Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên 1553-2000, Quyên II, trang 1353).  

Cha Louis Đoan là con của ông bà Anrê, người Phước Kiều. Cha Đắc Lộ kể: “Một hôm quan trấn Quảng Nam, cho lính đến khám các nhà đàn anh, trùm trưởng, tịch thu các ảnh tượng. Ông Anrê và hai người con nhỏ với một số đàn anh bị trói dẫn ra cửa Hội An và bị đánh đòn ở nơi công cộng

Cha kể tiếp : “Tháng 7-1644, bà Tống Thị ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam thầy Anrê-Phú Yên… Quan trấn ra lệnh tống giam thầy. Vào tù, thầy gặp cụ già An-rê mới bị bắt ban chiều. Cả hai suốt đêm trao đổi những lời khuyến khích thúc giục nhau can đảm, và trông đợi chóng đến sáng, để được dâng lễ hi sinh, cùng nhau lên hưởng triều thiên hạnh phúc Thiên quốc” (Sđd, trang 166).

Cha Đắc Lộ khen ngợi : ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo  trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần. Lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía bên Thầy mình, vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên được mang gông, huy chương danh dự, huân công của người chiến sĩ Công giáo, mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam. Mỗi lần giao tranh, cụ đều thoát hiểm, và tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo.

Cha cũng khen vợ ông như sau : bà sinh hạ được hai người con là cậu Louis và Emmanuel, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà. Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi. Ở đó, nhiều người ngoại đã được lãnh Phép Rửa, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích.

 Cũng vì thế hai ông bà và các con luôn bị người ta quấy phá, khu nhà cụ cũng nhiều lần bị phá phách, nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự thế gian. 

 Sau khi đã ngược đãi làm phiền cụ mãi, quan Quảng Nam cũng phải chùn tay. Riêng cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo. Từ đó cụ được yên tĩnh sống ớ nhà, và theo những thư cuối cùng ở xứ Nam viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện. Cụ luôn bền vững trong đức tin, và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Sđd, trang 168-169).

Cha mẹ cha Louis Đoan còn có lòng quảng đại ; Cha Đắc Lộ bị đuổi khỏi miền Bắc. Cha về Macao dạy học. 10 năm sau cha lại được sai đến Đàng Trong… Trước hết cha đến Hội An, để tìm sự che chở và giúp đỡ của các kiều dân Nhật. Viên quan đứng đầu cộng đồng người Nhật  không có đạo và không mấy thiện cảm  với đạo, nhưng cha biếu quà cáp hậu hĩ, ông đã giúp đỡ cha rất tận tình.Viên quan Nhật Bản này đã hướng dẫn cha  một cách rất khéo léo, giúp cha qua các cửa ải một cách dễ dàng… Cha ra mắt nhà vương với những lễ vật cao quí nhất có thể có được. Để mua các lễ vật đó mà đút lót, cha đã xử dụng hầu như tất cả  số tiền cha mang theo để sống. Nhưng Thiên Chúa đã lo liệu, bởi vì một giáo hữu tốt lành tên là Anrê, cùng vời vợ, đã cho cha tất cả số tiền cần thiết (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 81).

Cha nào con đó !

Cha Louis Đoan theo gương Chúa Giê-su yêu quí đoàn chiên trong BTM, theo gót thánh Phao-lô đi truyền giáo trong bđ1 và những giáo hữu tiên khởi của Hội Thánh trong bđ2.

Bài Tin Mừng (Ga 10,27-30) : Cha Nuyễn Công Đoan viết vê BTM như sau : “Chúa Giê-su là Mục Tử Đẹp như Đa-vít, là Đa-vít mới. Khi Đa-vít tình nguyện ra đương đầu với Gô-li-át. Đa-vít kể chuyện mình đi chăn chiên :

Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên trong bầy, thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm nó. Nó mà chồm lên con, thì con nắm lấy râu nó, đánh nó chết luôn” (Is 17,34-35).

Đa-vít liều mạng để cứu chiên. Chúa Giê-su là Đa-vít Mới, sẽ hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên được sống. Trái với kẻ trộm, kẻ cướp. Chúa Giê-su hy sinh mạng sống vì đoàn chiên thể theo ý của Chúa Cha: “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18)

Chúa sẽ qui tụ tất cả đoàn chiên để “chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” như Thiên Chúa đã hứa trong sách Ê-dê-ki-en (34,11-16).

Kết thúc hiệp cuối trong dịp lễ Lều. Những lời của Chúa Giê-su làm cho những người Do Thái  chia rẽ nhau, kẻ thì phỉ báng, người thì bênh vực.

Người Do Thái lại chia rẽ nhau vì những lời đó. Nhiều người trong nhóm họ nói: “Ông ấy bị quỉ ám và điên khùng rồi! Nghe ông ấy làm gì ?”Kẻ khác bảo: “Người bị quỉ ám đâu có nói được như vậy! Quỉ có thể mở mắt cho người mù được sao ? (Ga 10,19-21) (Tĩnh Tâm với Tin Mừng Gio-an, trang 179-180).

Bài đọc 1 (Cv 13,14.43-52): Cha Sullivan viết về bđ1 như sau : “Ông Sao-lô, người miền Tác-sô, là người Do Thái, nhưng có quốc tịch Rô-ma. Sau khi Chúa sống lại, ông đã về Giê-ru-sa-lem để học đạo Do Thái. Còn đạo mới (Ki-tô giáo) mới phổ biến. Sao-lô trở thành người bảo vệ đạo cũ, bắt bớ các Ki-tô hữu không nương tay. Trên đường đi Đa-mát, ông đã được gặp Chúa. Cuộc đời còn lại ông đi rao giảng Chúa Ki-tô. Đầu tiên ông rao giảng cho người Do Thái, nhưng phần đông họ phản đối, ông quay về dân ngoại, trở thành vị tông đồ lớn cho dân ngoại.

Bđ1 nói đến cuộc Hành trinh truyền giáo thứ nhất tại An-ti-ốt, miền Tiểu Á (miền đất từ phía đông Âu châu đến Phi châu-Tự điển của Scott Hahn). Trong hành trình này có ông Ba-na-ba đi theo” (The Sunday Readings, trang 166)

Bài đọc 2 (Kh 7,9.14-17): Cha Sullivan cũng viết về bđ2 như sau : “Thánh Gio-an đã mô tả thị kiến trên trời. Ngài thấy các thánh đông không kể xiết.  Các ngài được lên trời sau khi trải qua các cuộc tử đạo. Nay các ngài được phục vụ ngai Thiên Chúa, thờ lạy Thiên Chúa. Các ngài không còn đau khổ và buồn phiền; các ngài không còn chết nữa, vì Con Chiên là chủ chăn của các ngài. Chủ chăn đưa các ngài tới giòng suốt mát, trong lành (Sđd, trang 168).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

Đức Ki-tô, vị mục tử oai hùng của chúng con

đã khải hoàn tiến vào thiên quốc;

xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn

cũng được theo gót Người

vào chung hưởng hạnh phúc vô biên

Chúng con cầu xin.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành