Chúa Nhật Phục Sinh – Mừng Chúa Sống Lại


CHÚA NHẬT PHỤC SINH

4-4-2021

GIÁO HUẤN SỐ 19

MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ

Đức Kitô cứu độ các con (tt)

Các bạn trẻ thân mến, các con được Chúa yêu dấu nhiều lắm, các con được Chúa cứu chuộc bằng máu châu báu của Chúa Kitô, nên chắc chắn các con quí giá lắm! Các con là vô giá! Các con không thể bị bán rẻ! Xin đừng để mình bị ai mua.  Đừng để mình bị dụ dỗ. Đừng để mình bị nô lệ hóa bởi những hình thức thực dân ý thức hệ đầu độc các con, mà kết quả là các con trở thành những nô lệ, những kẻ nghiện ngập, những cuộc đời hư hỏng. Các con là vô giá. Các con phải nhắc đi nhắc lại điều này: Tôi không thể bị bán rẻ, không có giá nào mà mua được tôi cả. Các con hãy say mê sự tự do này, sự tự do mà Đức Kitô ban tặng (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 122).

—————–

CN PHỤC SINH

Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9 (lễ chiều có thể Lc 24,13-35)

Lễ Phục sinh ở thị trấn Chàm

Ngày 15-3-1645 linh mục Rhodes rời Qui Nhơn để đi Quảng Nam, nhưng vì ngược gió tay lái của thuyền bị gẫy, nên mãi tới 14-4-1645 giáo sĩ và đoàn tùy tùng mới về tới Hội An. Lúc đó ở Đà Nẵng hai thừa sai dòng Phan Sinh và bốn nữ tu dòng Clara đang chuẩn bị lên đường trở vế Manila. Bởi vì trên đường từ Macao đi Manila tầu của họ bị bão táp phải vào tá túc tại cảng Đà Nẵng từ giữa tháng 2-1645; họ được Công Thượng vương và hoàng hậu đón tiếp nồng nhiệt ở Phú Xuân. Linh mục Rhodes gặp và trao đổi với hai tu sĩ Phan sinh chỉ một đêm trước khi con tầu của họ nhổ neo đi Manila (sáng ngày 15-4-1645).

Sau khi tầu Tây Ban Nha đi rồi, tôi cử hành Lễ Phục Sinh ở thị trấn Chàm (Phước Kiều, Quảng Nam); giáo hữu tới tham dự nghi lễ rất đông, sau đó tới thành phố người Nhật gọi là Faifo (Hội An). Nơi đây Inhaxio (thầy giảng) đã đem được nhiều phụ nữ ngoại kết hôn với người Công giáo Nhật theo đạo…Inhaxio thâu lượm được nhiều kết quả chỉ trong ít ngày; thực ra Chúa cho ông có tài giảng thuyết lạ lùng : ông thường giảng suốt đêm mà không ai thấy dài (…). Từ Faifo tôi thấy cần phải lên kinh đô để ủy lạo các giáo hữu đang gặp nhiều phiền muộn, nhất là người đầy tớ của Thiên Chúa là bà Maria (Minh Đức vương thái phi), dì của nhà vương, vì con trai của bà, do một lời khích bác của nhà vương đối với người Công giáo, đã cho triệt hạ ngôi nhà thờ mà mẹ ông đã xây cât trong khuôn viên của dinh ông. Bà me tốt lành đã đau khổ vì tội ác của con mình, đến độ trong tám ngày, bà đi khắp đây đó, hầu như không biết mình làm gì (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 93).

xxx

Qua câu chuyện lễ Phục Sinh ở Thanh Chiêm, ớ Hội An, ở Huế, chúng ta thấy lòng đạo đức của giáo dân, của Hội Thánh Việt Nam trong những ngày đầu, sốt sắng biết bao !

Bài đọc 1 từ lễ Phục Sinh đến lễ Chúa Thánh Thần đều đọc sách Công Vụ Tông Đồ (Cv) của thánh Lu-ca. Đọc sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta biết những ngày đầu của Hội Thánh. Sách Kinh Thánh của nhóm CGKPV tóm những nét chính những ngày đầu của Hội Thánh như sau :

“Từ ‘Hội Thánh xuất hiện đầu tiên trong Cv 5,11…

Hội Thánh khai sinh từ môi trường Do Thái. Nhưng dần dần HT được Chúa Thánh Thần tác động, hướng dẫn đi tới dân ngoại…

Hội Thánh là cộng đoàn các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy (Cv 2,42)…

Hội Thánh là một cộng đoàn hiệp thông (Cv 2,42; 20,7-12)…

Hội Thánh là một cộng đoàn cầu nguyện (Cv 1,14)…(Kinh Thánh ấn bản 2011, trang 2406-2407).

xxx

Bài đọc 1 : Bđ1 đọc sách Cvtđ. Sách KT ấn bản 2011 của nhóm CGKPV viết : “Ông Phê-rô nhấn mạnh tính phổ quát của ơn cứu độ. Người ngoại được nhận vào công đoàn tín hữu. Rồi đây sẽ có những người chống đối thái độ thân thiện của ông Phê-rô đối với người ngoại. Công đồng Giê-ru-sa-lem (15,10. 19-22) có những quyết định cụ thể đối với việc dân ngoại gia nhập Hội Thánh (trang 2433).

Bài Tin Mừng : BTM thánh lễ nói về “ngôi mộ trống”. Sách “Tin Mừng Theo Thánh Gioan” của cha Hoàng Đức Ánh viết : “Bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ; mộ đã trống. Người ta đã cướp xác chăng ? Được tin, hai thánh Phê-rô và Gio-an cũng ra mộ. Thánh Gio-an đến trước, nhìn vô mộ, thấy băng vải, nhưng ngài đợi cho thánh Phê-rô vào trước, vì Phê-rô là người anh cả của Tông đồ đoàn. Thánh Phê-rô vào mộ, thấy băng vải và băng che đầu xếp riêng. Rồi thánh Gi-an vào mộ: ngài đã thấy và tin. Thánh Kinh đã nói về sự kiện Phục sinh này, nhưng các ngài chưa hiểu. Ngày nay, thấy mộ trống, người môn đệ Đức Giê-su thương mến mới tin. Ngài tin rằng Đức Giê-su đã phục sinh. Tử thần đã mất nước” (trang 264).

Bài đọc 2 : Nhóm CGKPV viết về đoạn thư thánh Phao-lô gửi cộng đoàn Cô-lê-xê như sau : “Cô-lô-xê là thành phố thuộc miền Tiểu Á, nằm trong thung lũng Ly-cô, cách Ê-phê-xô 200 km về phía Đông. Dường như cho tới lúc viết thư này, thánh Phao-lô chưa bao giờ đặt chân đến giáo đoàn Cô-lô-xê (x. Cl 1,4 ; 2,1). Có thể ông Ê-páp-ra, một trong những người bạn đồng hành với thánh Phao-lô và là người quê quán ở Cô-lô-xê, đã đem Tin Mừng đến thành phố này cũng như đến Lao-đi-ki-a và Hi-ê-ra-pô-li (x. 4,13).

Thánh Phao-lô đang bị cầm tù (4,3.10.18), có lẽ ở Rô-ma. Ông Ê-páp-ra đã tới gặp người để trình bày cho người rõ tình hình giáo đoàn (x. 1,3-4) và xin người giúp ý kiến để sửa chữa những điểm giáo lý không lành mạnh đang đe doạ đời sống đức tin của anh em tín hữu mới trở lại. Những người chủ trương giáo lý mới ấy cho rằng : muốn biết Thiên Chúa và muốn được cứu độ thì phải tôn thờ các sức mạnh thiêng liêng (thiên thần, 2,18 ; các quyền lực thần thiêng, 2,15), phải giữ một số quy tắc (cắt bì, 2,11 ; đồ ăn thức uống, 2,16-17).

Thánh Phao-lô đã viết thư này và nhờ ông Ty-khi-cô mang về (4,7-9). Người nhắc cho các tín hữu nhớ rằng : Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho anh em qua một mình Đức Giê-su Ki-tô.

Thư này có liên hệ mật thiết với thư gửi các tín hữu Ê-phê-xô cả về từ ngữ lẫn tư tưởng, có lẽ đã được viết ở Rô-ma, năm 61-63 (Côlôsê mạng Google).

Tóm lại, tất cả đời sống mới của người Ki-tô hữu là đời sống kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô phục sinh : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa…Chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).

Xin thánh Giuse bầu cử, và xin Đức Mẹ Trà Kiệu và Chân phước Anrê giúp chúng ta “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới”.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành