Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm A


Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm A

22-12-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Ngãi Đông và giáo xứ Hòa Minh

GIÁO HUẤN SỐ 4

Lời Thiên Chúa nói gì về người trẻ (tt)

 

Salômôn, khi kể về phụ vương, đã cảm thấy hốt hoảng và thưa với Chúa: “Con còn non nớt, biết gì đâu mà làm” (1V 3,7). Nhưng sự táo bạo của tuổi trẻ đã thúc đẩy chàng xin Chúa sự khôn ngoan, và chàng đã hết mình cho sứ mạng. Một điều gì đó tương tự cũng đã xảy ra với ngôn sứ Giêrêmia, người được kêu gọi dù tuổi đời còn trẻ, để thức tỉnh dân mình. Trong nỗi sợ, Giêrêmia thốt lên: “Ồ không, lạy Chúa là Thiên Chúa, con thực sự không biết ăn nói, vì con chỉ là đứa trẻ” (Gr 1,6). Nhưng Chúa bảo không được nói thế (x. Gr 1,7) và Ngài thêm: “Ngươi đừng sợ, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (x. Gr 1,8). Nhiệt tâm của ngôn sứ Giêrêmia đối với sứ mạng mình cho ta thấy điều gì có thể xẩy ra khi sự can đảm của tuổi trẻ được nối kết với sức mạnh của Thiên Chúa. Một nữ tỳ Do Thái của vị tướng ngoại bang là Naaman đã dùng đức tin để can thiệp, và nhờ đó vị tướng này đã được chữa bệnh (x. 2V,2-6). Nàng Rút là mẫu gương quảng đại khi ở lại bên mẹ chồng vào hoàn cảnh khó khăn (x. R 1,1-18), nhưng nàng cũng cho thấy sự dũng cảm của mình khi bước tới trên đường đời (R 4,1-17) (Tông Huấn Đức Kitô Hằng sống, số 10&11).

—————————————

CN 4 MV NĂM A

(Is, 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24)

Thời dòng Tên đem Tin Mừng vào Việt Nam là thời Nam Bắc phân tranh. Cha Trương Bá Cần đã tóm lược việc phân tranh như sau: “Từ năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn ở đất Thuận Hóa, tuy năm 1569 còn ra chầu vua Lê ở An Trường, Thanh Hóa; vào năm 1592 cho tới năm 1600 còn đem quân ra Bắc phò Lê diệt Mạc. Nhưng từ lúc ở Thăng Long thoát được về Thuận Hóa năm 1600, Nguyễn Hoàng tìm mọi cách để đối đầu  với họ Trịnh, tuy ngoài mặt vẫn tỏ ra hòa hiếu; đến đời các chúa sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Công Thượng vương Nguyễn Phúc Lan (1635-1647), Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) thì hai bên đánh nhau tới 7 lần. Trong đó họ Trịnh 6 lần đem quân vào Nam đánh họ Nguyễn đều thất bại; chỉ có 1 lần họ Nguyễn đem quân ra Bắc đánh họ Trịnh chiếm được 7 huyện ở phía Nam sông Lam tức sông Cả của Nghệ An và chiếm giữ được nhiều năm. Từ năm 1672 trở đi hai bên Trịnh Nguyễn không còn đánh nhau nữa, nhưng vẫn còn thù địch” (Lịch Sử Phát Triển Công Giáo ở Việt Nam, Tập I, trang 10).

Miền Bắc gọi là Đàng Ngoài, Miền Nam gọi là Đàng Trong.

Tin Mừng đã được gieo vào Miền Nam-Đàng trong với cha Buzomi tới Đà Nẵng ngày 18-1-1615. Còn Miền Bắc-Đàng Ngoài phải chờ đến ngày lễ thánh Giuse 19-3-1627 với hai cha Marquez và Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ).

Thật ra cha Baldinotti đã vào Miền Bắc-Đàng Ngoài ngày 7-3-1626. Cha được chúa Trịnh Tráng tiếp đón niềm nở. Nhưng vì không biết tiếng Việt, cha Baldinotti cảm thấy bất lực. Cha chỉ rửa tội được 4 trẻ em sắp chết. Cha cầu cứu Đàng Trong. Bề trên dòng Tên ở Áo Môn sai hai cha Marquez và Rhodes ở Đàng Trong ra Đàng Ngoài.

Hai cha về Áo Môn. Ngày 12-3-1627, hai cha lên tầu đi Đàng Ngoài. Cha Trương Bá Cần thuật lại lời Cha Đắc Lộ như sau: “Sau 6,7 ngày gió thuận, khi chúng tôi vào gần cửa khẩu, trời đổi mây như đe dọa ập lên trên chúng tôi, đêm đến con tầu của chúng tôi bị một cơn cuồng phong lay chuyển với một nguy cơ lớn, đồng thời trên không chớp lòe làm thành những cảnh tượng hãi hùng do ma quỉ làm cho các thủy thủ hoảng sợ, cho tới buổi sáng ngày dâng kính Thánh Giuse vinh hiển trời sáng, chớp tan, sóng hạ xuống, chúng tôi khám phá ra cửa khẩu mà người Đàng Ngoài gọi là Cửa Bạng, chúng tôi gọi đó là cửa Thánh Giuse, vì đã được vào đây may mắn ngày lễ kính Ngài” (Trương Bá Cần, sđd, trang 113).

Cha Cần kể tiếp: “Khi tầu chở hai linh mục Marquez và Rhodes vừa cập bến Cửa Bạng, dân chúng kéo đến rất đông, hỏi xem họ là ai, từ đâu tới, có những loại hàng hóa nào. Linh mục Rhodes làm thông dịch viên cho tất cả đoàn, trả lời rằng: Đây là tầu của người Bồ Đáo Nha. những người nổi tiếng ở Á Đông về những vũ khí có giá trị và những hàng hóa quí báu trước đây vẫn đem đến bán ở quí quốc và lần này họ muốn đem đến cho dân xứ này một viên ngọc quí làm cho những ai muốn mua nó sẽ trở nên giầu có và hạnh phúc. Giá cả của viên ngọc đó không quá cao, những người nghèo cũng có thể mua được nếu họ muốn” (TBC, sđd, 115).

Thánh Giuse chẳng những là đấng bảo trợ Giáo hội Việt Nam, mà còn là đấng bảo trợ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế.

Cha Noel Quesson viết: “Mat-thêu khác với Lu-ca, không tập trung tuổi thơ của Chúa Giê-su vào Đức Ma-ri-a, nhưng vào thánh Giu-se:

  • Gia phả Đức Giê-su. theo dòng dõi thánh Giu-se
  • Loan báo việc sinh Đức Giê-su cho thánh Giu-se và chấp nhận vai trò của mình: chồng Đức Ma-ri-a và cha pháp lý của Đức Giê-su
  • Việc thờ phụng của các nhà chiêm tinh và vai trò chủ chốt của thánh Giu-se bảo đảm an toàn hài nhi khi trốn sang Ai cập
  • Trở về Na-da-rét theo lệnh của thiên thần luôn luôn nói với thánh Giu-se.

(Lời Chúa cho mỗi Chúa nhật trang 31)

Với Lời Chúa trong thánh lễ Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng hôm nay, dòng dõi vua Đavít luôn được nhắc nhớ, vai trò thánh Giu-se quả là quan trọng.

Bài đọc 1: Ngôn sứ I-sai-a trong bđ1 nói với vua A-khát: “Nghe đây hỡi nhà Đa-vít, các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,13-14).

Cha Kevin, dòng Phanxicô, viết trong tập sách “The Sunday Readings” (Những Bài đọc Chúa nhật) như sau: “Đề cập đến dòng dõi Đavít của vua Akhát, ngôn sứ Isaia muốn nhắc cho vua rằng: vương quốc Giuđa luôn được Thiên Chúa bảo vệ, vì theo kế hoạch cứu độ, triều đại vua tương lai xuất thân từ dòng dõi Đavít sẽ tồn tại muôn đời theo như lời ngôn sứ Nathan (2Sm 7,12-16). Vì thế Giuđa không bị xóa sổ …Con vua Đavít sẽ đến, nhưng qua người trinh nữ, chứ không bởi người nam” (Sđd trang 21).

Bài Tin Mừng: Cha Noel Quesson viết: “Giuse một anh thợ tầm thường, ở đây được gọi một cách long trọng là ‘con nhà Đavít’. Chính là với danh nghĩa ‘dòng dõi của hoàng gia’ Do Thái, mà Thiên Chúa yêu cầu ông thay đổi ý kiến và nhận Maria làm vợ mình. Ông quyết định ‘bỏ’ nàng, và như thế khước từ làm cha đứa bé mà Maria mang thai. Tình hình cũng đúng như đại tổ phụ trong đức tin, Ápraham tin điều đó, khi ông chấp nhận hy sinh con trai Isaác của mình, ông xem con trai mình như một của lễ của Thiên Chúa (St 22). Với Giuse, người vừa khước từ đứa con trai cũng thế. Thiên thần của Thiên Chúa đòi ông đón nhận đứa con trai theo cách khác: Người phải nhận đứa con như ‘của lễ’, trong đức tin. Đứa con mà ông đã khước từ theo ‘xác thịt’, thì ông lại nhận đứa con đó như ‘con của lời hứa” (Sđd trang 35).

Bài đọc 2: Trong bài đọc 2, chúng ta được đọc lá thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma. Trong lá thư này cũng nhắc tới dòng dõi Đavít của Chúa Giêsu. Thánh nhân viết: “Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít. Nhưng xét như Đấng từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” Rm 1, 3-4).

Cha Kevin giải nghĩa: “Con Thiên Chúa trở nên một phàm nhân. Đấng Tạo Hóa trở thành tạo vật. Ông chủ mặc lốt nô lệ. Chỉ có tình yêu vô lượng hải hà mới hạ mình như thế. Thêm vào đó, những khổ đau, những xỉ nhục, những hằn thù đưa đến sự hạ mình và cái chết đau thương trên thập giá. Tội lỗi và sự vô ơn của chúng ta đã đưa Người đến như vậy…

Trong Mùa Giáng Sinh này, từ đáy lòng, chúng ta hãy đội ơn Cha trên trời đã gửi cho chúng ta người Con của Người. Chúng ta có một Thiên Chúa là cha. Để biểu lộ lòng biết ơn của chúng ta, chúng ta hãy yêu thương người đồng loại của chúng ta. Chỉ có thế, chúng ta mới chứng tỏ chúng ta yêu Chúa. Đó là ‘vâng lời trong đức tin’, đem Tin Mừng Chúa vào cuộc đời mà thánh Phaolô đòi hỏi” (Sđd trang 24).  

Lời nguyện nhập lễ Thánh Giuse 19-3 :

Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Đức Giê-su

cho thánh cả Giu-se

và thánh nhân đã trung thành gìn giữ

trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ.

Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp

cho Giáo Hội biết luôn luôn cộng tác với Đức Giê-su

để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu.

Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa

hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen

 Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành