Chúa Nhật XVI Thường Niên – Năm B


CN.16.B

22-7-2018

Giáo Huấn

SUM HỌP CẦU NGUYỆN

TRONG ÁNH SÁNG PHỤC SINH

Niềm Vui Yêu Thương số 318

Việc cầu nguyện trong gia đình là một cách thức đặc biệt để diễn tả và củng cố đức tin ’vượt qua’ ấy. Có thể tìm ra vài phút mỗi ngày để qui tụ với nhau trước Thiên Chúa hằng sống, kể với Ngài những lo lắng của chúng ta, xin Ngài nhìn đến những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho một ai đó đang gặp khó khăn, xin Ngài trợ giúp ta diễn tả tình yêu, tạ ơn về hồng ân sự sống và về bao ơn lành khác, và cầu xin Đức Mẹ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Chỉ với ít lời đơn sơ như thế, khoảnh khắc cầu nguyện này có thể đem lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình chúng ta. Những diễn tả khác nhau của lòng đạo đức bình dân là một kho tàng linh đạo cho nhiều gia đình. Hành trình cầu nguyện chung của gia đình đạt tới đỉnh điểm nơi việc cùng nhau chia sẻ Thánh Thể, nhất là trong khung cảnh ngày lễ nghỉ Chúa Nhật. Đức Giêsu gõ cửa các gia đình, chia sẻ với họ bữa tiệc Thánh Thể (x, Kh 3,20). Ở đó vợ chồng luôn luôn có thể ký kết lại giao ước Vượt Qua, là giao ước đã kết hiệp họ, và là giao ước phải phản ảnh giao ước mà Thiên Chúa ký kết với nhân loại trên thập giá. Thánh Thể là giao ước của bí tích mới, ở đó công trình cứu chuộc của Đức Kitô được thực hiện (x. Lc 22,20). Mối  liên kết chặt chẽ giữa đời sống hôn nhân và Thánh Thể, vì thế, trở nên càng rõ hơn. Vì lương thực Thánh Thể cung cấp cho đôi vợ chồng sức mạnh và động lực cần thiết để sống giao ước hôn nhân mỗi ngày như một ‘Giáo Hội tại gia’ (Lm Lê Công Đức chuyển ngữ).

—————————————

CN.16.B

(Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34)

Trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa Đà Năng có tượng thánh Anrê Nguyễn Kim Thông. Thời Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi thánh nhân là quan thầy của Hội Đồng Giáo Xứ.

Thánh Kim Thông sinh tại Gò Thị, Qui Nhơn. Chúa nói : “Cây tốt sinh trái tốt, cây sâu sinh trái xấu”. Gia đình thánh nhân đạo đức, hai người con dâng mình cho Chúa: cha Nguyễn Kim Thư và nữ tu Anna Nhường dòng Mến Thánh Giá.

Thánh nhân có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt, đã xây cất trong nhà một nhà nguyện kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Người cháu tên là Út bê tha bị Người la mắng, anh tố cáo với quan là nhà Người có chứa các linh mục. Người bị bắt giam. Có lần được quan cho về thăm gia đình, thánh nhân khuyên : “Hãy vững lòng đi theo Chúa, xưng tội, rước lễ và lần hạt hằng ngày”. Thấy gia đình thương khóc, Người bảo : “Đừng khóc, hãy luôn cầu nguyện và ký thác mọi sự trong tay Chúa. Xin Chúa luôn ban sức mạnh, nhất là trong thời kỳ khó khăn”. Cuối cùng, Người bị án lưu đày xuống Vĩnh Long. Người phải đi bộ tới nơi hành hình, cổ đeo gông, chân bị xiềng xích. Đến Qui Nhơn, Người được gặp cha Thư, con trai của Người. Rồi tiếp tục đến Vĩnh Long thì kiệt sức, Người tạ thế. Lễ an táng của Người trọng thể. Cha chính Borelle Hòa cùng 4 linh mục và hàng ngàn giáo dân dâng thánh lễ cầu cho Người. Mấy năm sau, cha Thư cải táng đem về Gò Thị, quê hương của Người.

Thánh Anrê Kim Thông khuyên nhủ gia đình : “Hãy vững lòng đi theo Chúa,  xưng tội, rước lễ và lần hạt hằng ngày”. Thấy gia đình thương khóc, Người bảo : “Đừng khóc, hãy luôn cầu nguyện và ký thác mọi sự trong tay Chúa. Xin Chúa luôn ban sức mạnh, nhất là trong thời kỳ khó khăn”. Lời khuyên đó phản ảnh Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.

Bđ1 : Bđ1 đọc sách  ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a là một trong 4 ngôn sứ lớn. Giê-rê-mi-a có nghĩa là “Thiên Chúa nâng lên” ((Kinh Thánh ấn bản 2011, trang 1540 và 1663).

Cha Kevin O’Sullivan OFM viết trong tập sách The Sunday Readings B, trang 317-318 :

Giê-rê-mi-a sống từ năm 627 đến năm 586 trước CN. Năm 23 tuổi, người được gọi làm ngôn sứ tại Giê-ru-sa-lem trong giai đoạn gay cấn của lịch sử Giu-đa. Vua, tư tế và dân chúng quan tâm đến chính trị hơn là quan tâm đến Gia-vê, Thiên Chúa. Năm 700 TCN họ bị lệ thuộc vào Ba-by-lon, và hằng năm phải triều cống. Khoảng năm 630, Giu-đa muốn cùng Ai Cập nổi lên giải thoát ách đô hộ Babylon. Giêrêmia chống đối và nói tiên tri là Ai Cập sẽ không giúp đỡ, cuộc nổi loạn chẳng đem lại ích lợi gì, mà đất nước còn bị tàn phá, và dân chúng bị lưu đày. Vì thế, ngôn sứ bị bắt giam một thời gian. Sau này dân chúng còn định giết ông, giam ông trong một cái tháp. Một người Cút ngoại đạo, đầy tớ của vua giải thoát cho ngôn sứ. Chừng năm 586, ngôn sứ bị cưỡng bức đem sang Ai Cập và bị giết chết tại đó.

 Bảy câu trong bđ1 thánh lễ hôm nay, ngôn sứ lặp đi lặp lại những đe dọa với các mục tử, các nhà lãnh đạo Giu-đa. Họ lơ là chăm sóc đoàn chiên. Họ lửng lơ không nhiệt tình với Thiên Chúa. Đó là nguyên nhân của cuộc lưu đày. Nhưng Thiên Chúa thì muốn đem những người ‘còn sót’ về, và trao chúng cho những mục tử tốt lành chăm sóc. Đó là thời đại đến gần của Đấng Thiên Sai, con cháu vua Đa-vít. Giu-đa và Ít-ra-en sẽ sống trong an bình dưới một vua mới công chính

BTM : Qua BĐ1, cảnh mất nước nhà tan là vì dân Do Thái đã bỏ Chúa, mà dấn thân vào những việc đời. Nên trong BTM Chúa Giê-su khuyên dạy các tông đồ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31).

Ông William Barclay đã viết trong sách “Tin Mừng Theo Thánh Mác-cô” : “Khi các tông đồ hoàn thành sứ mạng trở về, họ phúc trình công tác với Chúa Giêsu. Nhu cầu của quần chúng được nghe Chúa Giêsu rất lớn, đến nỗi các ông chẳng còn thì giờ dùng bữa, cho nên Chúa Giêsu bảo các môn đệ tìm một nơi vắng vẻ phía bên kia bờ biển hồ để thầy trò có thì giờ yên tĩnh nghỉ ngơi.

 “Tại đây chúng ta thấy điều có thể gọi là nhịp điệu của đời sống. Vì đời sống là một hành trình liên tục từ chỗ gặp loài người đến nơi gặp Chúa, để rồi từ nơi gặp Chúa trở về gặp loài người. Nó tương tự như nhịp điệu của giấc ngủ và công việc. Chúng ta sẽ không thể làm việc, nếu không có đủ thì giờ nghỉ ngơi thích hợp, nhưng chúng ta cũng không thể ngủ nếu chưa làm việc cho đến khi đã mệt mỏi.

 Trong nếp sống hằng ngày có hai nguy cơ. Một là nguy cơ hoạt động quá sức. Không ai có thể làm việc mà không nghỉ ngơi, cũng như chẳng ai có thể sống đạo nếu không dành thời giờ để được sống riêng biệt với Chúa. Có thể tất cả rắc rối của đời sống là do chúng ta không dành thời giờ để Chúa phán dạy mình, vì chúng ta không biết yên lặng lắng nghe. Chúng ta không để Chúa bồi bổ lại năng lực cho mình, vì chúng ta không dành thời giờ nào riêng ra để chờ đợi, trông mong nơi Ngài cả. Làm thế nào chúng ta có thể đương đầu nổi các gánh nặng của đời sống? Làm sao chúng ta làm nổi công việc cho Chúa, nếu không được sức lực Ngài ban cho? Và làm sao chúng ta có thể nhận được sức lực ấy nếu không gặp gỡ riêng với Chúa ?

 Hai là nguy cơ của việc thoái thác quá nhiều. Lòng tin kính mà không tạo ra được  hành động thì không phải là tin kính đích thực. Chúng ta đừng bao giờ đi tìm hiệp thông với Chúa để trốn tránh hiệp thông với con người. Nhịp điệu của đời sống là luân phiên gặp gỡ Chúa trong nơi kín đáo, phục vụ người ta ngoài phố chợ” (Lm Dương Đình Tảo chuyển ngữ, trang 143-144).

Bđ2 : Bđ2 Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã nói mối liên hệ giữa thánh Phao-lô với người Ê-phê-sô. Với sáu câu trong bđ2 thánh lễ hôm nay, thánh Phao-lô nhắc nhớ các tân tòng Ê-phê-sô là Chúa Ki-tô đã mang lại sự hiệp nhất anh em giữa người Do Thái và dân ngoại. Dưới hệ thống tôn giáo cũ, người Do Thái không thể giao tiếp với người ngoại. Chiến tranh lạnh tồn tại giữa hai bên. Nay Chúa Ki-tô mang lại bình an cho người Do Thái cũng như cho dân ngoại. Họ chấp nhận Chúa là thầy dạy của họ (Lm Kevin O’Sullivan, sđd, trang 320).

Với Lời Chúa trong bđ2, Chúa đem lại sự hiệp nhất và đoàn kết. Vậy chúng ta có mệt mỏi vì chia rẽ, bất hòa, cuộc sống gặp khó khăn, hãy chạy đến “nghỉ ngơi” trong Chúa.

Hãy nhớ lại lời khuyên của thánh Anrê Nguyễn Kim Thông : “Hãy vững lòng đi theo Chúa, xưng tội, rước lễ và lần hạt hằng ngày. Đừng khóc, hãy luôn cầu nguyện và ký thác mọi sự trong tay Chúa. Xin Chúa luôn ban sức mạnh, nhất là trong thời kỳ khó khăn”.

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành