Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm C


CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM C

3-4-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Cồn Dầu

GIÁO HUẤN SỐ 19

NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

Đừng để mình bị bật rễ (tt)

Về phương diện này, tôi muốn ghi nhận rằng “nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng đến từ những bối cảnh không phải Phương Tây đã chỉ ra rằng tại các quốc gia của mình hiện tượng toàn cầu hóa đang mang đến những hình thức thực dân văn hóa, tách người trẻ ra khỏi gốc rễ tôn giáo và văn hóa của mình. Giáo Hội cần quan tâm đồng hành với những người trẻ này, để trong tiến trình, họ không đánh mất cảm thức về những nét quí báu  nhất trong căn tính của họ. Quả thật ngày nay chúng  ta  nhìn thấy một khuynh hướng “đánh đồng” người trẻ, làm mờ nhạt những gì là bản sắc riêng trong nguồn gốc và bối cảnh của họ, và biến họ thành một đống hàng hóa mới dễ uốn ép. Điều này sinh ra một sự tàn phá văn hóa có tính nghiêm trọng không kém sự diệt chủng các loài động vật hay cây cỏ. Vì lý do này, tôi đã khuyến khích họ, khi nói chuyện với các bạn trẻ thổ dân qui tụ ở Panama, tôi đã kkuyến khích họ ‘chăm sóc các gốc rễ của mình, vì chính từ các gốc ấy mà các con nhận được sức mạnh giúp các con lớn lên, triển nở và sinh hoa trái” (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, các số 185 & 186).

 ———————

CN 5 MC NĂM C

(Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11)

Cô Đaria, Pia, cậu Inhaxu

Trong nữ giới cũng không thiếu những anh hùng. Cô Đaria và Pia là hai gương trung thành giữ luật Chúa và đồng thời nêu cao đức trinh khiết của người theo đạo.

Luật đạo chỉ cho phép có một vợ một chồng. Cô Đaria bị một quan trong vùng ép hỏi làm thiếp. Để có thể trung thành với luật Chúa trước sức mạnh của cường quyền, cô bỏ làng trốn đi nơi khác. Tức giận, quan liền bắt bà con để tra hỏi. Tất cả đều can đảm thưa rằng vì tôn trọng luật Chúa họ không được phép nộp cô cho quan. Để tránh những phiền nhiễu của lính quan sai về, những đe dọa tra khảo tiếp tục bắt bỏ đạo và tế thần, họ bỏ làng trốn lên Kinh (Hà Nội). Theo gương cô Đaria, cô Pia bị cha mẹ đánh đập đe dọa ép cưới làm tì thiếp bố nuôi, sau nhiều trận đòn mê man chí tử, cô phải tìm đưởng trốn lên Kẻ Chợ (Hà Nội), để có thể trung thành giữ đạo và bảo vệ đức trinh khiết.

Trong đám tuổi trẻ đầu xanh cũng không thiếu gương can đảm. Mới 14 tuổi đầu, cậu Inhaxu đã được ơn trở lại. Cha mẹ còn ở bên ngoài, nhất định tìm cách bắt cậu bỏ đạo, không cho cậu giữ luật đạo. Ngày chay, cha mẹ bắt cậu phải dùng bữa, ngày kiêng bắt cậu ăn thịt… Nhưng dầu bị đánh đập đe dọa, cậu nhất định không vì nể cha mẹ mà lỗi luật Chúa. Cậu bị đuổi khỏi nhà. Hi sinh vì Chúa, cậu lên Kẻ Chợ và sau được ở giúp việc các cha (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 195-196).

Những gương can đảm giữ luật Chúa của các tín hữu đầu tiên Giáo Hội Việt Nam là hình ảnh của Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay: lòng thương của Chúa đối với dân Do Thái lưu đày trong bđ1, lòng thương của Chúa đối với người tội lỗi trong BTM, lòng trung tín của thánh Phao-lô trong gian lao đau khổ.

Bài đọc 1 (Is 43,16-21) : Cha Kevin O’Sullivan viết về bđ1 như sau: đây là sứ điệp an ủi mà ngôn sứ I-sai-a nói với những người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lon. Sự giải thoát đã đến gần. Thiên Chúa sẽ giải thoát và đưa họ trở về quê cha đất tổ (CN 5 MC trang 135).

Đọc lại mấy câu cuối của bđ1, để thấy lòng thương của Chúa :

“Ta cho nước chảy ngay sa mạc

Khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn

Cho dân ta tuyển chọn được giải khát” (43,20).

Bài Tin Mừng (Ga 8,1-11): Cha Nguyễn Công Đoan viết về câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” trong BTM như sau: Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách sạn ngàn sao, sáng sớm Chúa trở lại Đền Thờ. “Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy cho họ”. Bỗng có tiếng xôn xao. Một nhóm Kinh sư và Pha-ri-sêu  đang lôi một người đàn bà tới, đám đông dạt ra, họ xô chị ta đứng trước mặt Chúa Giê-su. Họ bất ngờ lập tòa án ngoài trời và mời Chúa Giê-su làm quan tòa. Họ đọc cáo trạng: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong Sách Luật , ông Mô-sê truyền cho chúng tôi truyền ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?

Nghe câu đầu của bản cáo trạng, chúng ta có thể cười thầm. Vậy là các anh đi dòm qua lỗ khóa nhà người ta hả? Đối với họ, thì bản án đã có sẵn trong Luật Mô-sê: ném đá ! Chúa biết họ muốn gì ! Chúa trả lời bằng cách: “Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngng lên và bảo họ: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.

 Người ta thích tò mò, đoán xem Chúa viết cái gì. Thế là rơi vào cái bẫy của Chúa như đám người đang tố cáo và kết án người đàn bà này. Tin Mừng không nói Chúa viết cái gì, chỉ nhắc hai lần “Chúa cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Trước hết Chúa kéo con mắt và sự chú ý của họ khỏi người đàn bà đang đứng ở giữa, khỏi thái độ quan tòa, tập trung vào ngón tay của Chúa. Chúa thinh lặng, họ cũng thinh lặng. Một lúc sau họ lại hối thúc Chúa trả lời. Chúa ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!” Rồi Người lại cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Sau khi kéo sự chú ý của họ khỏi người đàn bà và bắt họ cúi xuống nhìn ngón tay của Chúa di chuyển trên mắt đất. Chúa bỗng lật sự chú ý và cái nhìn của họ quay vào chính mình họ. Hãy nhớ Luật do ông Mô-sê chuyển đạt cho các ông là do Thiên Chúa ban: “Sau khi phán với ông Mô-sê trên núi Xi-nai, Đức Chúa ban cho ông hai tấm bia Chứng Ước, hai tấm bia do chính tay Thiên Chúa viết (Xh 31,18). Những bia ấy là do chính Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ của Thiên Chúa khắc trên đá (Xh 32,16). Đức Chúa đã ban cho tôi  hai bia đá do ngón tay Thiên Chúa viết” (Đnl 9,10). Chúa như nói với họ: Luật Mô-sê là do Thiên Chúa ban, do ngón tay Thiên Chúa viết, thì Thiên Chúa mới là Đấng xét xử, và Người xét xử các ông nữa đấy! Kết quả là họ nhìn vào chính mình… “rồi họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” Lối châm biếm thật là sâu sắc: càng già càng lắm tội! Chẳng lẽ thằng ăn cướp lại xét xử đứa móc túi! Chúa Giê-su chứng tỏ Người có quyền xét xử như Thiên Chúa, soi thấu tâm can mỗi người, chứ không theo vẻ bên ngoài.

Chỉ còn lại một mình Chúa Giê-su và người phụ nữ thì vẫn đứng ở giữa”. Ta ngạc nhiên chỉ còn Chúa Giê-su ngồi đó, người phụ nữ thấy chung quanh mình chẳng còn ai nhưng cũng chưa dám bỏ đi vẫn đứng ở giữa”, có thể hiểu là vẫn đứng yên chỗ đã đứng như trước vành móng ngựa  ở tòa án, những kẻ tố cáo đứng vây quanh đã nhận biết họ chẳng tốt gì hơn mà đòi kết án chị, họ đã bỏ đi hết, chị đứng một mình trước Đấng có quyền xét xử. Thánh Âu-tinh bình luận: “Chỉ còn lại hai: con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót”.

Chúa hỏi như để mở cho chị thấy hoàn cảnh của mình : ‘Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?”. Chị đáp : “Thưa ông, không có ai cả”. Đấng có quyền xét xử nói với chị : “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi và đừng phạm tội nữa!”. Người không kết án chị, chỉ yêu cầu chị “đừng phạm tội nữa”. Họ không dám kết án chị vì họ tội lỗi hơn chị. Tôi không kết án chị vì tôi là Đấng có quyền xét xử. Lời Chúa Giê-su như vọng lời Thiên Chúa phán trong sách Ê-dê-ki-en : “Ta lấy mạng sống Ta mà thề. Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33, 11; 18,32)

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình không phải chết, nhưng được sống, cũng minh họa lời Chúa Giê-su mời gọi “hãy đến với tôi mà uống”. Người ta lôi chị đến trước mặt Chúa, nhưng Chúa đã cho chị sống, lòng nhân lành thương xót để chị được sống, và đặt chị trở lại trên con đường đi tới sự sống : “Đừng phạm tội nữa”. Đồng thời chuẩn bị cho phần tiếp theo (Tĩnh Tâm Với Tin Mừng Gio-an, tập I, trang157-160).

Bài đọc 2 (Pl 3,8-14) : bđ2 của CN 2 MV năm C đã đọc thư Phi-lip-phê của thánh Phao-lô. Cha Kevin O’Sullivan viết : “Phi-líp-phê, một thành phố của Ma-xê-đô-ni-a, một thành phố đầu tiên Âu châu được thánh Phao-lô rao giảng Tin Mừng (quãng năm 50 tCN). Trong tim ngài, có một góc ấm áp đặc biệt đối người Phi-líp-phê. Họ là những tân tòng nhiệt thành. Ngài yêu mến họ. Ít là 3 lần họ đã giúp đỡ ngài về vật chất. Ngài đã viết thư này trong tù. Gông cùm chỉ là nguồn vui để khích lệ họ và để rao giảng Tin Mừng (The Sunday Readings năm C, trang 8).

Còn đoạn thư trong bđ2 hôm nay, ngài đã viết : “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mồi lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi  đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8).

Tất cả những lý do để cậy vào xác thịt mà đã có thời thánh Phao-lô tự hào, cũng như ngày nay những người Do Thái đang dựa vào đó để tự hào, không những không là gì mà còn là thiệt thòi so với Đức Ki-tô, được ở trong Người mới là mối lợi tuyệt vời “ (CGKPV, Kinh Thánh 2011, trang 2615).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại,

Đức Giê-su Ki-tô đã hiến thân chịu khổ hình

Xin ban ơn trợ giúp

Để chúng con biết noi gương Người

Tận tình yêu thương mọi anh em.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành