Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – NĂM A

12-7-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Thuận Yên

GIÁO HUẤN SỐ 32

CÁC THÁNH TRẺ

Giữa lòng Giáo hội có rất nhiều vị thánh trẻ, những người dân hiến đời mình cho Đức Kitô, đến mức nhiều người trong đó nhận cái chết tuẫn đạo. Các ngài là những phản ánh quí giá của Đức Kitô trẻ trung, chứng tá sáng ngời của các  ngài khích lệ và đánh thức chúng ta khỏi cơn mê. Thượng hội đồng  nhấn mạnh rằng nhiều vị thánh trẻ đã cho phép các nét trẻ trung chiếu sáng trong tất cả vẻ đẹp của chúng, và trong cuộc sống của mình, các ngài đã thực sự là những ngôn sứ đem lại sự thay đổi. Mẫu gương của các ngài cho thấy rõ những gì mà người trẻ có thể làm, một khi họ mở lòng ra sẵn sàng gặp gỡ Đức Kitô (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 49).

———————————————————-

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Is 55, 10-11; Rm 8,18-23; Mt 13,1-23)

Ngay từ khi mở ra Hội An, có lẽ cuối thế kỷ 16, chúa Nguyễn Hoàng đã chú ý dành nơi này cho người Hoa, Nhật đến trú ngụ và buôn bán. Cuối thế kỷ 16, nhóm người Hoa đến đây sinh sống vì lý do kinh tế, nhưng sang thế kỷ 17 lại thêm tàn quân nhà Minh thoát khỏi Trung Quốc xin tỵ nạn chính trị, vì nhà Thanh nổi lên lật đổ nhà Minh. Trường hợp người Nhật tới Hội An cư trú từ cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17 là do mấy cuộc cấm đạo (ĐQC, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1775, trang 22).

Phái đoàn cha Buzomi đến ĐT (Đàng Trong), xem ra mục đích chính là để giúp Nhật kiều Công giáo tại Hội An.  Sau khi tiếp xúc với người Việt, nhận ra đây là cánh đồng truyền giáo phì nhiêu. Vì vậy, có lẽ ngay từ cuối năm 1615, phái đoàn cha Buzomi đã chuyển hướng: Tích cực giới thiệu Tin Mừng với người Việt là chính (ĐQC, sđd, trang 23).

Lễ Phục sinh năm 1615, cha Buzomi sung sướng được dâng lễ ngôi nhà nguyện ở Cửa Hàn và đón nhận 10 tân tòng (Lm Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, trang 58).

Một hôm di dạo trên bãi biển, thấy một đoàn hát tuồng đang làm trò cho dân chúng coi. Dừng lại, cha Buzomi được chứng kiến vở hài kịch sau đây: Một con hát bước ra sân khấu với cái bụng độn rất to, theo sau là một con hát giắt một em nhỏ. Con hát bụng độn hỏi em nhỏ: “Con nhỏ có muốn vào bụng Hòa Lang chăng?” Em nhỏ thưa: . Tức thì con hát đứng bên tìm cách nhét em nhỏ vào cái bụng độn giữa tiếng cười thỏa chí của khán giả. Hài kịch được diễn lại mấy lần mà người đứng xem vẫn không chán (Nguyễn Hồng, sđd, trang 60).

Năm 1617, Áo Môn sai cha Pina (Ý) đến ĐT giúp cha Buzomi. Cha Pina có tài học tiếng. Cha là người giảng không cần thông ngôn (Nguyễn Hồng, sđd, trang 61-62).

Mùa thu năm 1617, trời hạn hán. Nông dân mất mùa. Các ông sãi và dân chúng cho rằng tại các cha giảng đạo mới, Trời Phật giận, phạt mất mùa. Dân chúng đến tố cáo với Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên. Sãi vương không tin, nhưng để dân chúng khỏi giận dữ, nhà vương khuyên các cha về Áo Môn, khi yên ổn thì trở lại (NH, sđd, trang 62-63).

Thuyền các cha bị gió bão, không đi được, phải ở tạm trên bãi biển. Nắng mưa, các cha bị bệnh. Năm 1618 các cha được ông Trần Đức Hòa, quan phủ Qui Nhơn đưa về Nước Mặn. Thỉnh thoảng ông đến thăm và sai đầy tớ cung cấp thực phẩm. Ông còn làm nhà nguyện, sai cả 1000 tráng đinh khiêng đến dựng cho các cha (NH, sđd, trang 64).

Năm 1623 cha Pina mở địa điểm Thanh Chiêm (ĐQC, sđd, trang 53)

Năm 1624 bề trên sai cha Đắc Lộ đến ĐT. Cha ở Thanh Chiêm, học tiếng Việt với cha Pina và cậu bé Cây Trâm, Tam Kỳ. Nhờ cha biết nói sỏi tiếng Việt, năm 1627 bề trên sai cha ra ĐN (Đàng Ngoài) giảng đạo.

Năm 1625 cha Pina và cha Đắc Lộ ra Huế rửa tội cho bà Minh Đức Vương Thái Phi (ĐQC, sđd, trang 72)

Ngày 15-12-1625 cha Pina ra khơi để lấy đồ lễ. Thuyền gặp bão. Vì mặc áo dòng, cha bị chết chìm (ĐQC, sđd tr. 53 và NH, sđd, trang 79).

Năm 1640 cha Đắc Lộ trở lại Đàng Trong 4 đợt.

Năm 1641 bà Ngọc Liên mời cha Đắc Lộ vào Phú Yên giảng đạo và rửa tội cho 90 người, trong đó có thầy Anrê-Phú Yên (ĐQC, sđd, trang 73).

Ngày 26-7-1644 thầy Anrê-Phú Yên tử đạo tại Thanh Chiêm (ĐQC, sđd, trang 74).

Ngày 17-6-1645 cha Đắc Lộ bị bắt và giam 22 ngày ở Hội An (ĐQC, sđd, trang 102).

Ngày 3-7-1645 cha Đắc Lộ vĩnh biệt Việt Nam đi Áo Môn, rồi đi Rôma, vận động Tòa Thánh gửi giám mục sang Việt Nam (ĐQC, sđd, trang 102).

Chặng đường đức tin từ Áo Môn đến Đà Nẵng năm 1615, rồi từ Đà Nẵng vào Qui Nhơn năm 1618, từ Đà Nẵng ra Huế năm 1625, từ Đà Nẵng vào Phú Yên năm 1641. Những hạt giống đức tin đó khác nào hạt giống Tin Mừng trong Lời Chúa hôm nay: có hạt rơi trên vệ đường, có hạt rơi trên sỏi đá, có hạt rơi vào bụi gai, và có hạt rơi vào đất tốt,…

Bài đọc 1 : Bài đọc 1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. I-sai-a có nghĩa là “Ơn cứu độ của Thiên Chúa” hoặc “Thiên Chúa là ơn cứu độ” (nhóm CGKPV, Kinh Thánh 2011, trang 1549).

Trong Tân Ước thì I-sai-a là sách được trung dẫn nhiếu nhất sau các Thánh Vịnh, Những lòi loan báo về nguồn gốc, sứ mạng và số phận của Đấng Mê-si-a thật sát với những gì Chúa Giêsu đã sống và đã dạy, khiến có người đã gọi I-sai-a là “sách Tin Mừng thứ năm”. Qua các bài giảng và các thư, thánh Phao-lô cho thấy đây là cuốn sách ưa thích nhất của ngài trong các sách Cựu Ước. Chính khi viết cuốn giảng luận về I-sai-a, thánh Giê-rô-ni-mô đã viết câu nổi tiếng “Không biết Sách Thánh là không biết Chúa Kitô” (Kinh Thánh 2011, trang 1543).

Hai câu đọc trong thánh lễ hôm nay đã ví Lời Chúa như mưa như tuyết từ trời sa xuống, phải “thấm xuống đất”, làm cho đất phì nhiêu, đâm chồi nnảy lộc, cho người đói bánh ăn, chưa đạt kết quả, thì sẽ không trở về”.

Sách KT 2011 còn viết : “Các câu 55,10-11 nói lên công hiệu Lời Chúa và nhân cách hóa Lời Chúa như Đức Khôn Ngoan” (trang 1642).

Bài Tin Mừng : BTM là dụ ngôn “Ngưới gieo giống”. Cha Nguyễn Công Đoan viết: “Dụ ngôn mở ra bằng việc người gieo giống đi ra gieo giống. Nhưng toàn câu chuyện lại xoay quanh số phận của hạt giống tùy chỗ đất nó rơi vào: vệ đường (hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy Mt 13,19), sỏi đá (kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời : khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay Mt 13,20-21), bụi gai (đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quí bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì Mt 13, 22) và đất tốt (đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra Mt 13,23). Ba trường hợp trước, hạt giống không đem lợi gì, nó bị mất nhiều cách : chim trời, không có đủ độ ẩm, bị gai bóp nghẹt. Trường hợp thứ tư là đất tốt thì hạt giống sinh hoa kết quả : hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Kết thúc câu chuyện, Chúa mời gọi người ta : ‘Ai có tai thì nghe’. Tiếng Việt chúng ta cũng có những kiểu nói tương tự: ’có chân thì đi mà mua’ (đừng chờ người khác đi mua giùm); ‘có tay thì hái mà ăn’ (đừng chờ người khác hái giùm). ‘Ai có tai thì nghe’ nghĩa là phải tự mình nghiền gẫm để hiểu điều tai vừa nghe được.

Các môn đệ ngạc nhiên về chính cách giảng dạy của Chúa: ‘Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ’. Câu hỏi này mở dịp cho Chúa giải thích. Chúa đối chiếu giữa số phận của môn đệ là người nhà, người trong gia đình của Chúa, như Chúa vừa khẳng định (x. Mt 12,48-50) với số phận của người ngoài : môn đệ thì được ơn (dịch sát : được {Thiên Chúa} ban cho) hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn người ngoài thì không.  Ai có thì được cho thêm : ai đã hiểu biết thì càng được hiểu biết thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất : người không hiểu biết thì cái vốn hiểu biết đang có cũng sẽ bị lấy đi, khiến họ càng mê muội.

Trong mạch văn này Mát-thêu đối chiếu các môn đệ với người ngoài, nhất là những kẻ chống đối, tức là kinh sư và Pha-ri-sêu, những kẻ vốn tự hào là thông thái, hiểu biết, những kẻ hiểu biết Luật Mô-sê nhưng ngoan cố không muốn nghe Chúa Giê-su thì sẽ trở thành ngu muội. Chúa tố cáo ngay sự ngoan cố của họ, rồi Chúa kết kuận họ chính là những kẻ ngoan cố, tự bưng tai bịt mắt, từ chối ơn cứu độ, mà I-sai-a đã nói đến (Is 6,9-10).

Ngược lại, các môn đệ thật là có phúc, vì được thấy, được nghe những điều các ngôn sứ và những người công chính bao đời đã mong mỏi mà không được nghe, được thấy. Ở đoạn nói về ông Gio-an Tẩy giả đã thấy ý này: ‘người nhỏ nhất trong Nuớc Trời còn cao trọng hơn ông’(Mt 11,11). Thư thứ nhất của thánh Phêrô cũng nói: ‘Các ngôn sứ nghiên cứu tìm hiểu và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em… Thiên Chúa đã mặc khải cho các ngài biết là các ngài có phận sự  truyền đạt thông điệp ấy, không phải cho chính mình mà là cho anh em…Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy’ (1Pr 1,20-22). Chúng ta có cảm nghiệm được phúc lớn của mình không ?” (Tự Đáy Lòng. Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 108-109).

Bài đọc 2 : Qua cuộc sống truyền giáo của Giáo hội và các thừa sai Việt Nam có lúc gặp vui mừng, có lúc gặp đau khổ khó khăn, giống như hạt mưa, hạt tuyết trong bđ1 và giống như hạt giống trong BTM. Thánh Phaolô trong thư Rôma thì ví như người mẹ sinh con: “muôn loài thụ tạo cùng rên xiết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 18,22).

Giáo phận Đà Nẵng chúng ta sắp mừng ngày thầy Anrê-Phú Yên tử đạo. Cha Đắc Lộ viết về những giây phút cuối đời của thầy như sau : “Tôi hằng ở bên thầy và tôi không đi theo kịp, thầy đi rất nhanh, mặc dầu đeo chiếc gông nặng. Tới nơi toàn thắng, thầy quì xuống để chiến đấu can đảm hơn. Lính gác chung quanh. Chúng không cho tôi ở bên trong vòng lính, nhưng viên đội trưởng cho phép tôi vào và đứng bên cạnh thầy. Thầy vẫn quì dưới đất, mắt nhìn trời, miệng luôn hé mở và đọc tên Giêsu” (Nguyễn Khắc Xuyên chuyển ngữ, Hành Trình Và Truyền Giáo, trang 148).

Lạy Thầy Anrê-Phú Yên xin cầu cho Đà Nẵng chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành